Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực blockchain hàng đầu
(DNTO) - Nhằm mục đích đưa Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ Blockchain thế giới, việc đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ Blockchain trong tương lai sẽ là ưu tiên hàng đầu cho các doanh nghiệp.
Blockchain được xem là bước đi tiếp theo của chuyển đổi số. Trong vòng 10-15 năm vừa qua, nhiều lĩnh vực như phim ảnh, thương mại điện tử,… đã bước đầu ứng dụng công nghệ này để số hóa. Công nghệ Blockchain xuất hiện đã mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn nhân lực vận hành và triển khai nền tảng Blockchain đang là bài toán khó khi các cơ sở đào tạo, giáo dục tại Việt Nam chưa thực sự chú trọng và bắt kịp với xu hướng công nghệ này.
Chiều 1/12, Học viện Kinh Doanh Số (IM Group) đã chính thức ra mắt Phân viện Blockchain & Tài sản số để góp phần giải bài toán nhân lực cho sự thúc đẩy công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số (DTS) và ông Nguyễn Minh Đức - CEO IM Group.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ: "Thời gian qua người người, nhà nhà đều nói về Metaverse, chúng ta phải làm sao để có thể đón đầu được những xu hướng công nghệ mới của thế giới, để xây dựng các chương trình về Blockchain, và để góp phần lan tỏa ứng dụng công nghệ Blockchain tong cuộc sống", Chủ tịch VECOM khẳng định về Blockchain, Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào.
"Thực tế là có rất nhiều chủ doanh nghiệp, công ty liên hệ đến VECOM bày tỏ mong muốn ứng dụng Blockchain vào kinh doanh, sản xuất và hỏi chúng tôi rằng phải bắt đầu từ đâu? Việc thiếu nơi đào tạo luôn là nỗi trăn trở và trong Blockchain, đầu ra nguồn nhân lực luôn luôn thiếu nên càng phải đẩy mạnh hơn nữa các khóa đào tạo online".
Đồng quan điểm trên, ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch DTS đánh giá Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển Blockchain vào Top 10 thế giới. "Bằng việc tạo nên một cơ sở đào tạo cốt lõi và chuyên sâu về Blockchain, chúng tôi sẽ chung tay xây dựng nên một hệ sinh thái bổ trợ như Trung tâm quản lý tài sản số mà chúng tôi dự định ra mắt trong thời gian tới. Tôi cho rằng 2022 sẽ là năm bùng nổ của Blockchain khi mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin chính thống", ông Bảo đánh giá.
Về kế hoạch đào tạo của Phân viện Blockchain & Tài sản số, ông Phan Minh Đạt - Trưởng Phân viện cho biết Việt Nam rất giàu tiềm năng để trở thành trung tâm Blockchain của Đông Nam Á. "Muốn vậy, nhân lực phải đặt lên hàng đầu, làm được điều đó chúng ta có thể hoàn thành công cuộc tiến tới chuyển đổi số và Blockchain cũng nằm trong tầm nhìn quốc gia tiến tới năm 2030. Chúng tôi lên kế hoạch "Trồng người" qua Phân viện Blockchain & Tài sản số, cung cấp cho học viên những kiến thức chính thống về Blockchain với các giá trị cốt lõi".
Theo ông Đạt, khóa học đầu tiên mở vào tháng 12 sẽ tập trung vào các nội dung huấn luyện Blockchain phổ thông với kiến thức nền tảng. Cùng với đó là khóa đào tạo Blockchain dành cho các CEO và chủ doanh nghiệp.
Kế hoạch trong năm 2021-2022 của Phân viện Blockchain & Tài sản số sẽ xây dựng 30 trung tâm đào tạo chuyển đổi số trên toàn quốc, phối hợp cùng các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ để xây dựng các mô hình đào tạo Blockchain giúp tiếp cận đến nhiều người hơn.
Ông Nguyễn Minh Đức - CEO IM Group cho biết: "Sự khác biệt của IM Group trong công cuộc đào tạo nhân lực Blockchain là chúng tôi luôn hành động, tạo nên giá trị, tạo nên các case study và lan tỏa điều đó. Tại các khóa đào tạo luôn có những chuyên gia giỏi về để giúp đỡ người học tự tin hơn, đúng với sứ mệnh của chúng tôi là "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt phát triển bền vững trên môi trường số".