Thuốc nhuộm chàm và 'da chuối' tô điểm cho 'thời trang đạo đức' của châu Á
(DNTO) - Ngành thời trang đạo đức đang trở thành một "điểm nóng" trên thị trường châu Á, nhờ vào xu hướng bảo vệ môi trường của thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi.
Thế hệ Gen Z và những người tiêu dùng trẻ tuổi tại châu Á ngày càng quan tâm đến “thời trang đạo đức”, ứng dụng màu nhuộm tự nhiên, da thuần chay và các giải pháp ít gây ảnh hưởng đến môi trường và sinh vật trên trái đất.
Kilomet109 là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam, sử dụng màu tự nhiên đến từ lá chàm, trái cây, rễ khoai mỡ. Vũ Thảo, người sáng lập nhãn hiệu này, tự tay trồng cây chàm và sử dụng phương pháp truyền thống.
Kilomet109 là một trong những thương hiệu tại châu Á đeo đuổi các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, chẳng hạn như sử dụng các nguyên liệu địa phương hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu.
Tại Ấn Độ, túi da thuần chay của Rashki đang tìm được chỗ đứng trong giới công sở. Những chiếc túi này được gia công từ một loại sợi đặc biệt lấy từ cây chuối. Tài khoản Instagram của thương hiệu tràn ngập những lời tán dương, ủng hộ sản phẩm không gây hại đến thú vật.
Thị trường sản phẩm thời trang đạo đức trên toàn thế giới đã ghi nhận một mức tăng trưởng 6,5% kể từ 2017, và đạt trị giá 7,5 tỷ đô la trong 2022 - theo dữ liệu từ hãng The Business Research Company, có trụ sở tại London. Theo báo cáo của hãng này, từ 2022 đến 2032, thị trường thời trang đạo đức sẽ tăng hơn gấp đôi, chạm ngưỡng 16,8 tỷ đô la.
Riêng thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, được xem là thị trường lớn nhất của ngành này, chiếm đến 33% ngành thời trang đạo đức, được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 10%.
Nam Á và Đông Nam Á sở hữu tỷ lệ người tiêu dùng trẻ tuổi cao hơn so với châu Âu và Mỹ. Và đối tượng người dùng này ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, với quy trình sản xuất được xem xét cẩn thận để không gây ảnh hưởng đến lợi ích của con người và sinh vật.
Sử dụng nguyên liệu bản địa, góp phần cải thiện mức sống và nền kinh tế của cộng đồng địa phương là một vấn đề cũng rất được các bạn trẻ chú ý.
Nhật Bản đang là quốc gia đi tiên phong cho lĩnh vực thời trang đạo đức, có nhiều mối quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực châu Á.
Hãng bán lẻ thời trang đặc biệt Enter the E vừa tung ra một nhãn hiệu mang tên “Ten”, được đặt tên dựa theo ý tưởng người tiêu dùng muốn sản phẩm quần áo bền ít nhất 10 năm. Chất liệu vải mà hãng này sử dụng được dệt bằng quá trình chuyên biệt, giảm thiểu sự co giãn và xù vải trong quá trình sử dụng lâu dài. Phương thức này được giáo dục cho các công nhân nhà máy của hãng tại Bangladesh.
Tomomi Uetsuki, người đứng đầu Enter the E và giúp tung nhãn hiệu Ten ra thị trường trong 2023, cho biết cảm nhận khách hàng ban đầu là rất tích cực. Cô nói: “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là những người ở độ tuổi 20 đến 30, và đang ngày càng trở nên đông đảo hơn”.