Việt Thảo Nhiên: Đánh thức tiềm năng ‘vàng’ từ vỏ cà phê
(DNTO) - Vỏ cà phê, một loại vật liệu thường bị coi là đồ thừa, đã được biến đổi hoàn toàn nhờ tâm huyết và nỗ lực nghiên cứu không ngừng của CEO Việt Thảo Nhiên. Ông đã dùng “phép màu” biến vỏ cà phê thành thức uống ngon miệng và thực phẩm bổ sung sức khỏe. Dù vậy, ông vẫn khiêm tốn thừa nhận rằng mình chỉ đang “đánh thức” món quà mà thiên nhiên ban tặng.
Để vị đắng của vỏ cà phê có thể hóa ngọt
Khi được hỏi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo từ việc tái chế vỏ cà phê - một loại phế liệu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thảo Nhiên, chia sẻ rằng quả cà phê chín mọng chứa lượng chất chống oxy hóa gấp 80 lần so với quả dâu tây. Tuy nhiên, quê hương của ông, Lâm Đồng - thủ phủ cà phê của Việt Nam, lại không biết cách khai thác “mỏ vàng” này, dẫn đến thu nhập của người dân rất thấp.
Ông Tuấn Anh cho biết: “Chất lượng cà phê khi thu hoạch thường không đồng đều, quy trình chế biến chưa đảm bảo an toàn vệ sinh, do đó không thể tăng giá trị của sản phẩm. Trong khi đó, nhu cầu trong nước và xuất khẩu về các sản phẩm hữu cơ, an toàn ngày càng tăng, nhưng lại không đủ nguồn cung. Đây chính là điều thúc đẩy tôi tham gia vào lĩnh vực này.”
Với sự sáng tạo và công thức độc quyền sau hơn 10 năm nghiên cứu, CEO trẻ này “tự hào” khi từ vỏ cà phê đã tạo ra dòng sản phẩm trà LaKa Cascara với nhiều hương vị nổi tiếng như cam quế, bạc hà. Hơn thế nữa, dòng sản phẩm “đặc biệt” còn phải kể đến là nước giải khát, bánh kẹo healthy và mỹ phẩm như: bột tẩy tế bào chết, dưỡng da, dưỡng thân tự nhiên…
Ông Tuấn Anh chia sẻ: “Mỗi năm, chúng tôi dự kiến cần 10.000 tấn quả cà phê tươi chín mọng. Để có nguồn cà phê đảm bảo đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, công ty hợp tác với hộ nông dân, hợp tác xã, nông trường có vùng trồng đạt chuẩn để bao tiêu sản phẩm. Chắc chắn giá sẽ cao hơn giá thị trường từ 20%, đây là điều tôi mong mỏi nhất”.
Phải sử dụng một quy trình cực chuẩn
Vỏ cà phê chứa nhiều chất tốt, nhưng để khai thác và tận dụng chúng phục vụ cuộc sống, ông Tuấn Anh cho biết cần phải áp dụng một quy trình cực chuẩn.
Ví dụ, để biến vỏ cà phê thành nước giải khát hảo hạng, công ty phải chọn loại cà phê Arabica chín mọng, thu hái đúng thời điểm để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Vỏ và thịt trái cà phê Arabica chín có độ ngọt cao, rất dễ lên men. Nếu không chế biến ngay trong vòng 5 tiếng sau khi hái, chúng sẽ bị biến chất. Trước khi chế biến, chúng phải được tiệt trùng để tránh nhiễm và lây lan các loại khuẩn gây hại, sau đó mới được lên men bằng các loại lợi khuẩn.
“Để tối ưu hóa, chúng tôi đã đầu tư và ứng dụng công nghệ sấy lạnh tuần hoàn thông minh hiện đại theo công nghệ Nhật Bản, luôn giữ chuẩn ở 60 độ C, giúp đảm bảo toàn bộ hương vị, dưỡng chất”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Nhấn mạnh sự khác biệt, CEO Việt Thảo Nhiên chỉ rõ, hiện nay có rất nhiều hãng trên thị trường sản xuất Cascara, nhưng đa số chỉ khai thác đơn thuần bằng cách sấy khô rồi sao lên pha nước uống, nên chưa tận dụng hết giá trị lợi ích của quả cà phê. “Cách chúng tôi làm đầu tiên là tiệt trùng, sau đó mới sấy tẩm, rồi enzim hai lần, như vậy mới hoạt hóa hoàn toàn các hoạt chất trong quả cà phê”, ông nói.
Mang chuông đi đánh xứ người
Chia sẻ về việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm, CEO Việt Thảo Nhiên cho biết, thị trường đầu tiên mà công ty xuất khẩu là Mỹ, bước đầu đã “chinh phục” thành công, được Mỹ chấp nhận đăng ký bản quyền. Dự kiến năm tới sẽ cấp bằng sáng chế, từ đó áp dụng cho nước mình triển khai ra rộng hơn.
“Bản chất Cascara là một loại dược phẩm quý, nhưng ở Việt Nam vẫn bị ‘mang tiếng’ là phế phẩm, đồ bỏ đi. Do đó, để bán trong nước, người dùng sẽ không mấy mặn mà. Tôi quyết định chọn ‘ngược dòng’ bằng cách đem sản phẩm của mình bán cho trời Tây trước. Đầu tiên là Mỹ, qua tết sẽ phát triển tại các nước Đông Âu, vì khi được các thị trường ‘khó tính’ này đón nhận, sẽ tạo sức lan tỏa cho người Việt rất lớn”, ông Tuấn Anh nói.
Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, CEO Việt Thảo Nhiên cho biết sẽ tiếp tục liên kết với các nhà khoa học hàng đầu về công nghệ Vi sinh, để nỗ lực hơn nữa trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
“Thương mại hóa các phế phẩm trong quá trình sản xuất cà phê, đó là cách chúng tôi tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, động lực giúp công ty tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Tuấn Anh nhận định.