Hàng Việt sang Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump
(DNTO) - Chuyên gia cho biết chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ hướng tới tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy hàng Việt vào Mỹ cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ, tăng kiểm định chất lượng sản phẩm.
Sau 9 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã vượt mốc 100 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt giá trị 89,4 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cùng giai đoạn và tăng 27% so với cùng kỳ, theo Bộ Công thương.
Là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống lần 2 sẽ tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhận định các ngành hàng truyền thống như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, nông nghiệp ... phục vụ nhu cầu tiêu dùng vẫn sẽ giữ nhịp tăng trưởng ổn định, các ngành hàng khác cũng tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khả năng các vụ kiện có thể xảy ra.
Bởi chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tăng cường việc bảo hộ hàng sản xuất tại Mỹ, thị trường Mỹ. Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được thiếp lập và các vụ kiện phòng vệ thương mại có thể sẽ nhiều hơn.
“Trong 3 tuần gần đây, Thương vụ đã có hơn 3 cuộc tham vấn về các vụ việc phòng vệ thương mại với Bộ Thương mại Mỹ”, ông Hưng cho biết.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), cũng nhận định sẽ có cả cơ hội lẫn thách thức khi xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong thời gian tới.
Theo Vasep, Việt Nam sẽ hưởng lợi 2 chiều trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Một mặt Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc, với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế. Trước mắt, tôm và cá tra Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế.
Khi chiến tranh thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, Việt Nam có thể trở thành nhà cung ứng thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản.
Tuy nhiên, Vasep cũng nhìn nhận ngành thủy sản của ta sẽ phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Điều này cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia và những đối thủ lớn trong ngành thủy sản.
Trước tình hình đó, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến nghị doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng theo dõi sát sao những thay đổi chính sách của thị trường xuất khẩu và có phương án chủ động ứng phó từ sớm.
"Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc để đảm bảo hàng hóa rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ từ nguyên liệu đầu vào. Nên hướng tới việc tự chủ nguyên liệu và xuất khẩu bền vững”, ông Hưng khuyến nghị.
Với chính sách xuất khẩu nói chung, vị này cho biết Việt Nam đang thặng dư thương mại với Mỹ, do đó cần thúc đẩy cân bằng thương mại giữa hai nước bằng biện pháp tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tránh xuất khẩu những mặt hàng quá ồ ạt.
“Những ngành có thể bị tác động xấu, nguy cơ bị kiện phòng vệ cao chính là các ngành có xuất khẩu tăng đột biến vào Mỹ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cũng nhận định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, nhiều thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới. Người tiêu dùng ở các nước phát triển có nhiều đòi hỏi mới về giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
Vì vậy, khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối. Cần từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, để thâm nhập tìm hiểu thị trường và gây dựng niềm tin với đối tác khách hàng Mỹ.