Đà xuất siêu tiếp tục tích cực, các ngành hàng tỷ USD kỳ vọng kỷ lục mới
(DNTO) - Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... đang tăng nhập khẩu hàng hóa ở mức hai con số. Theo đà tăng trưởng như vậy, khả năng đến cuối năm, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta có thể sẽ cán mốc kỷ lục mới 800 tỷ USD.
Xuất siêu đạt hơn 23 tỷ USD trong 10 tháng
Cùng với đà phục hồi của thị trường thế giới, thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo vừa được công bố của Tổng cục Thống kê ngày 6/11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 10/2024 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, con số là 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ, xuất siêu hơn 23,3 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.
Về các mặt hàng, điện thoại và linh kiện, máy tính điện tử và linh kiện hiện đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong 10 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 52,8 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng mạnh 27,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu.
Một mặt hàng xuất khẩu then chốt khác chính là dệt may khi thu về 1,5 tỷ USD. Kết quả trên đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến nay đạt 28,85 tỷ USD. Như vậy, bình quân mỗi ngày, xuất khẩu dệt may mang về kim ngạch hơn 100 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng 2,62 tỷ USD (tương đương tốc độ tăng trưởng 10%). Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, với tình hình hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may Việt Nam dự kiến có thể đạt từ 43 đến 44 tỷ USD trong năm nay.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mặt hàng nổi lên là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu cũng lập kỷ lục lịch sử khi thu về 6,34 tỷ USD chỉ trong 10 tháng, tăng mạnh 31,5% so với cùng kỳ năm 2023. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mốc 7 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm ngoái.
Phân tích về thị trường xuất khẩu hàng hoá, Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao từ 2 con số. Điển hình là Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là thị trường Trung Quốc; thị trường EU; Hàn Quốc; Nhật Bản…
Đơn cử, theo số liệu mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 18,5%, 16,8% và 15,4%. Theo đó, đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhờ kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng cao giúp thu ngân sách trong 10 tháng 2024 đạt 346.283 tỷ đồng, bằng 92,3% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
"Sở dĩ tổng thu của ngành Hải quan tăng là do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế tăng 5,3% và kim ngạch nhập khẩu có thuế tăng 16,4%", Tổng cục Hải quan cho hay.
Điển hình cho sự gia tăng này đến từ kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu có trị giá lớn, thuế suất cao tăng như: Xăng dầu các loại tăng 59,7% về lượng và tăng 67,9% về trị giá, làm tăng thu 858 tỷ đồng; sắt thép các loại tăng 64,3% về lượng và tăng 52,4% về trị giá, làm tăng thu 1.095 tỷ đồng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 10,3% về trị giá, làm tăng thu 584 tỷ đồng; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 22,6% về trị giá, làm tăng thu 492 tỷ đồng so với tháng 9/2024.
Yếu tố nào tác động?
Đúng như dự báo của giới phân tích, hoạt động thương mại của Việt Nam đã chạm đáy từ giữa năm ngoái và dần hồi phục kể từ đó đến nay. Đầu tiên, hàng tồn kho trên toàn thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2022 đã bắt đầu giảm nhanh từ nửa cuối năm 2023, dẫn đến áp lực các doanh nghiệp tại nước này phải tăng cường nhập khẩu trở lại để đáp ứng khả năng tiêu thụ cũng như củng cố lại lượng hàng tồn kho. Đây có lẽ là phần nào nguyên nhân giải thích cho tốc độ xuất siêu tăng mạnh sang các đối tác thương mại hàng đầu như Hoa Kỳ và EU.
Đặc biệt, với xu hướng tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp tục diễn ra, dòng vốn đầu tư quốc tế luôn tìm cách đa dạng hóa địa bàn sản xuất và thị trường tiêu thụ, tránh tập trung và phụ thuộc quá lớn vào công xưởng thế giới Trung Quốc, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia hưởng lợi lớn trong thời gian qua. Điều này cũng giúp hoạt động thương mại của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và tận dụng được những thị trường lớn có sức cầu tiêu dùng mạnh như Hoa Kỳ hay EU.
Về phần mình, Việt Nam cũng nỗ lực tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết trong những năm qua, cũng như việc nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn gần đây như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 16 FTA có hiệu lực. Đơn cử như một số mặt hàng may mặc đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA). Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sau khi giảm sút trong năm 2023, quý 1 đầu năm nay đạt gần 7.76 tỷ USD, tăng 7.9% so với cùng kỳ.
Đà tăng của xuất siêu một phần cũng nhờ vào các các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm nông nghiệp, lương thực, thực phẩm đang được hưởng lợi khi giá tăng mạnh vào neo cao trên thị trường quốc tế trong thời gian qua, trong bối cảnh nhu cầu gia tăng vì lo ngại nguy cơ khủng hoảng và an ninh lương thực. Cụ thể, nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD, tăng vọt 33.5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, với tỷ giá USD/VNĐ tiếp tục đi lên cũng có thể đã giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các đối tác thương mại chính. Cụ thể trong quý 3 năm nay, giá USD tự do đã tăng thêm 3,3%, trong khi giá giao dịch tại các ngân hàng cũng tăng hơn 2.6%. Thậm chí có những thời điểm như tháng 10 vừa qua, giá USD tự do tăng đến 3.5% so với đầu năm.
Để dồn sức cho sản xuất, thương mại quý 4/2024, giai đoạn nước rút quyết định mục tiêu cả năm 2024, Bộ Công thương cam kết sẽ tăng hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng khôi phục sản xuất, tận dụng các FTA, đổi mới xây dựng thể chế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, trong những tháng cuối năm, cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường chủ chốt, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua sẽ tăng trở lại, giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản, mặc dù có triển vọng, nhưng cần được lưu ý về tính mùa vụ và sự biến động giá cả. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Với kết quả đạt được trong 10 tháng và tốc độ tăng trưởng gần đây, nhiều chuyên gia kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ cán mốc kỷ lục mới 800 tỷ USD.