Định vị lại thị trường xuất khẩu, 36% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng mới trong quý 4/2024
(DNTO) - Hết quý 3/2024, xuất khẩu hàng hóa thu về gần 300 tỷ USD. Hiện, các doanh nghiệp đang chạy đua để hoàn thiện những kế hoạch đặt ra cho cả năm 2024. Những giải pháp tài chính phù hợp từ ngân hàng đang trở thành công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dồn lực về đích.
36% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng mới
Thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê quý 3 và 9 tháng năm 2024, ngày 6/10, bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), cho hay hết quý 3/2024, xuất khẩu hàng hóa thu về gần 300 tỷ USD. Hiện, các doanh nghiệp đang chạy đua để hoàn thiện những kế hoạch đặt ra cho cả năm 2024. Đáng chú ý, có 36% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới vào quý 4; 47,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố vĩ mô thuận lợi cho xuất nhập khẩu của Việt Nam phục hồi và bứt tốc. Nhiều ngành hàng sẽ được hưởng lợi từ động lực này như ngành cao su, dệt may, thuỷ sản, cảng biển…
Khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) cho thấy, đơn hàng xuất khẩu cuối năm đang ngày càng nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… Đơn cử, đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công đã và đang nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2024 và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024.
"Kết quả kinh doanh 8 tháng năm 2024 của doanh nghiệp tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và đơn hàng để sản xuất xuất khẩu có đến hết năm. Thành quả này, ngoài giữ được khách hàng truyền thống ở trong nước và xuất đi Mỹ, Trung Đông, công ty còn khai thác ở các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore", đại diện CTCP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang thông tin, từ lâu hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. "Với những kết quả xuất khẩu đã đạt được thời gian qua, dự báo trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Các doanh nghiệp dệt may đã và đang rất tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu cho quý 1/2025", ông Giang nhấn mạnh.
Có thể nói, số lượng và giá trị đơn hàng xuất khẩu tăng, đơn giá của nhiều nhóm hàng chạm mốc cao kỷ lục - đó là những tín hiệu tích cực từ kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024. Để có sự chuyển biến ngoạn mục trên, các doanh nghiệp đã dịch chuyển mạnh thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, đầu năm 2024, cuộc xung đột tại khu vực kênh đào Suez - một trong những tuyến đường hàng hải trọng điểm của toàn cầu đã làm gián đoạn nhiều đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu và Trung Đông. Việc tăng chi phí và thời gian giao hàng khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro hàng hóa bị hỏng. Do vậy, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chọn mở rộng thị phần tại 2 thị trường tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ. Dễ nhận thấy nhất là nhóm hàng nông, thủy hải sản liên tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường này.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp trong nước và các hoạt động xúc tiến thương mại, thì xuất khẩu của Việt Nam còn được sự hỗ trợ từ các yếu tố khách quan, từ những thay đổi có tính thuận lợi của các thị trường lớn trên thế giới.
Mới đây, VNDirect cũng nhận định, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những tháng cuối năm nay. Nhất là khi các cảng bờ Đông và vùng Vịnh (Hoa Kỳ) đã hoạt động trở lại từ hôm 4/10. Điều này giúp giảm phần nào lo lắng của doanh nghiệp xuất khẩu về hoạt động vận tải.
"Với dữ liệu PMI tích cực và số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới trong vài tháng qua, đơn vị này dự báo xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay có thể tăng khoảng 15%", VNDirect kỳ vọng.
Cấp bách gỡ khó về vốn, tiếp đà tăng trưởng cho doanh nghiệp
Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm với nhiều lễ hội lớn vẫn đang tăng và điều này có lợi cho tăng trưởng xuất khẩu quý còn lại. Giới phân tích dự báo, trong quý 4/2024, nếu duy trì được phong độ xuất nhập khẩu ở mức 70 tỷ USD/tháng, xuất nhập khẩu cả năm sẽ cán đích mức 788-789 tỷ USD; nếu duy trì kết quả thực hiện như tháng 9, xuất nhập khẩu sẽ đạt 776-777 tỷ USD.
Mặc dù đơn hàng sản xuất đang tăng, nhiều doanh nghiệp trần tình, trong bối cảnh cạnh tranh cao hiện nay cùng với chi phí đầu vào sản xuất tăng cao khiến cho họ chấp nhận biên lợi nhuận rất thấp để duy trì hoạt động.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của các doanh nghiệp trong quý 4, khó khăn lớn nhất vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, có 53,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.
Đánh giá về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,5% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 21,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao và vẫn còn 3,2% doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Thêm vào đó là những khó khăn do không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu; thiếu nguyên nhiên vật liệu đầu vào hay thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu nhưng chưa có vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn…
Theo đó, nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong giai đoạn nước rút, 43,4% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; 33,9% doanh nghiệp kiến cần có các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng và 25,4% doanh nghiệp kiến nghị ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Đối với thị trường đầu ra, để góp phần tăng khối lượng đơn hàng, 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Ngoài ra, 25,9% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn đến mức tối đa.
Thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). Song, ngoài sự nỗ lực, để doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo, làm ra của cải vật chất có giá trị, chiếm lĩnh thị trường thế giới thì phải có sự tiếp sức của chính sách.
Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp tháng 9/2024 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Tháo gỡ cho doanh nghiệp là tháo gỡ cho nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển". Thủ tướng đưa ra tuyên bố này để kêu gọi các cơ quan chức năng tập trung giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, từ đó giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.