Xuất khẩu hơn 20 tỷ USD mỗi năm nhưng thương hiệu da giày Việt vẫn chật vật ra quốc tế
(DNTO) - Ngành da giày Việt đặt kỳ vọng rất lớn để xây dựng các thương hiệu có tầm cỡ khu vực, nhưng để làm điều đó không đơn giản, vì đa số công ty da giày trong nước vẫn là gia công.
Lớn nhưng chưa đủ mạnh
Trong tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày - Cần làm gì để thực sự hiệu quả", hôm 27/9, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, băn khoăn với câu hỏi “Làm sao để tạo được một thương hiệu da giày của Việt Nam?”.
Điều này xuất phát từ thực tế Việt Nam hiện xếp hạng khoảng 10-11 trên thế giới về sản xuất các sản phẩm giày dép và phụ kiện liên quan. Chúng ta đã có một số thương hiệu giày dép như VENTO, Bitis… nhưng bản thân các thương hiệu này cũng vẫn gặp khó khăn trong quá trình duy trì thị trường không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế.
Ông Khanh cho biết, về vấn đề thương hiệu, trong chiến lược phát triển của ngành da giày, Việt Nam đặt kỳ vọng rất lớn để xây dựng các thương hiệu có tầm cỡ khu vực. Mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng sản xuất của ngành luôn duy trì trên 2 con số. Giá trị xuất khẩu của ngành tăng từ 14 tỷ USD lên tới 20 tỷ USD trong một thời gian ngắn và dự kiến đạt khoảng 26-27 tỷ USD năm 2024. Nhưng khách quan mà nói thì điều đó không đơn giản, bởi vì đa số hiện nay chúng ta chủ yếu vẫn là gia công.
Vì chủ yếu gia công nên khi thị trường khó khăn như năm 2023 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đơn hàng của một số doanh nghiệp da giày, khiến hoạt động của họ rất bấp bênh. Mặc dù đơn hàng năm nay đã quay trở lại nhưng chưa thực sự ổn định.
Việc Việt Nam liên tục kí kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. Hiện giày dép Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới. Đặc biệt, kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đem lại những biến chuyển tích cực cho ngành da giày. Tỷ lệ sử dụng mẫu chứng thư xuất xứ EURO của ngành gần 100%.
Tuy nhiên, ông Khanh cho biết, so với một số ngành thì da giày có tỷ lệ tận dụng nguồn nguyên liệu tương đối tốt. Nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ về nguồn nguyên liệu, vẫn phải nhập khẩu khá nhiều.
“Các thị trường FTA đang đặt ra yêu cầu về nguồn nguyên liệu để đảm bảo được cung ứng đủ chất lượng, đủ quy tắc giáo xứ, đáp ứng được các tiêu chuẩn. Tôi nghĩ đó là “nút thắt” rất lớn với ngành da giày, đó là lý do tại sao vừa rồi Hiệp hội Da Giày Việt Nam đề xuất thành lập trung tâm giao dịch nguyên liệu cho cả ngành”, ông Khanh nói.
Thừa nhận thực tế trên, ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, quy tắc xuất xứ của mặt hàng giày dép theo các FTA nhìn chung tương đối lỏng, hay nói cách khác là không quá khó để có thể đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi khi hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên của các Hiệp định. Dù vậy, những năm qua, trong 8 tháng năm 2024, hoạt động xuất khẩu da giày trên địa bàn thành phố vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
“Doanh nghiệp phần lớn gia công cho hãng nước ngoài nên khó tự chủ trong tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu, bị phụ thuộc hoặc bị chỉ định bởi đối tác nhập khẩu”, ông Hân nói.
Tư duy “đưa tất cả về một chỗ” để hỗ trợ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm - Viện Nghiên cứu Da – Giày, cho biết thực tế các doanh nghiệp tư nhân và làng nghề đều mong muốn đưa sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, họ gặp phải rào cản kỹ thuật lớn, từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng, khiến nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, bà Mai cho rằng việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành da giày trở thành yếu tố then chốt để kiểm soát nguyên liệu đầu vào và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
“Một giải pháp quan trọng là hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các chứng nhận quốc tế, ví dụ như Oeko-Tex Standard 100, một tiêu chuẩn đã được áp dụng rộng rãi trong ngành dệt may và đang mở rộng sang nguyên liệu và sản phẩm giày dép tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng tham gia các hệ thống chứng nhận này. Viện cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng chỉ về ISO và an toàn lao động, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc tận dụng các cơ hội từ FTA”, bà Mai nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, để giải quyết những khó khăn của ngành dệt may nói riêng và doanh nghiệp nói chung cần một hệ sinh thái, kết hợp giữa cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp theo tư duy “đưa tất cả mọi người vào một chỗ”.
Ví dụ doanh nghiệp thiếu nguyên liệu nhưng không biết mua từ đâu, hay muốn mua phải sang thị trường A, thị trường B để đàm phán và nhiều khi chưa biết giá cả hay chất lượng như thế nào… nhưng nếu trong hệ sinh thái có một công ty cung cấp đầy đủ nguồn nguyên liệu thì họ rất yên tâm nhập. Giải quyết được nguồn nguyên liệu là giải quyết được “nút thắt” quan trọng.
Hay doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất nhưng thiếu vốn thì những tổ chức tín dụng trong hệ sinh thái sẽ sẵn sàng hỗ trợ. Còn nếu doanh nghiệp muốn tìm hiểu thị trường xuất khẩu mới thì sẽ được cơ quan quản lý cập nhật đầy đủ ngay lập tức...
“Xây dựng mô hình phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với thực tế cũng là điều chúng tôi đang trăn trở”, ông Khanh nói.