Làng nghề giày da và những thách thức trong thời đại số

(DNTO) - Làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nhằm thích ứng với những thay đổi của thời đại số, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên chính “sân nhà” là điều được nhiều làng nghề trong lĩnh vực da giày đặc biệt quan tâm.
Chuyển đổi số là câu chuyện được nói đến với mọi lĩnh vực trong giai đoạn hiện nay, và với các làng nghề da giày, đây cũng là câu chuyện nhiều thách thức.
Vấn đề đầu tư công nghệ từ đó nâng cao nâng lực cạnh tranh, phát triển thị trường, thay đổi tư duy cách làm, đa dạng kênh phân phối trên cơ sở tận dụng các lợi thế có sẵn... vẫn là điều còn nhiều trăn trở tại làng nghề.
Tại sự kiện Leather Summit lần 3 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm làng nghề giày da trong thời đại số” vừa được tổ chức tại Hà Nội, quy tụ đông đảo các làng nghề truyền thống giày da, các doanh nghiệp và đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực vực liên quan tham gia.

Các đại biểu tại Leather Summit tham quan làng nghề da giày.
Sự kiện chính là cơ hội dịp để các doanh nghiệp, cá nhân, các làng nghề cùng kết nối, tìm các giải pháp đổi mới và tạo ra một cộng đồng hỗ trợ để đưa da giày Việt Nam phát triển lớn mạnh hơn.
Trong vai trò là người sáng lập chuỗi sự kiện, ông Phạm Quang Vũ Anh - CEO Genus Leather đã có những chia sẻ về tầm nhìn và khát vọng, về những trăn trở trong việc phát triển sản phẩm giày da làng nghề có tính cạnh tranh. Ông truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp và khách tham dự sự tự tin, sự dấn thân và khát khao xây dựng thương hiệu giày da Việt Nam ngay tại làng nghề truyền thống.
Việt Nam hiện đang là quốc gia sản xuất giày da đứng thứ 3 thế giới trong năm 2022. Về kim ngạch xuất khẩu, sản xuất da giày trong nước đang chiếm gần 10% tỷ trọng toàn thế giới, đạt 27 tỷ đô la.