Lí do các trung tâm nguyên phụ liệu dệt may, da giày Việt Nam 5 lần 7 lượt thất bại
(DNTO) - Thiếu người bán và kẻ mua dẫn tới việc Việt Nam tới nay chưa có các trung tâm nguyên phụ liệu dệt may, da giày phục vụ sản xuất trong nước.
Thất bại vì nặng về gia công
EU và Mỹ - 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam giờ đây đang tung ra những đạo luật khắt khe hơn để truy xuất về xuất xứ hàng hóa. Với ngành dệt may, việc truy xuất nguồn gốc sẽ đến cả thành phần nguyên phụ liệu như vải, sợi.
Nôm na rằng, chỉ khi Việt Nam dùng nguyên phụ liệu trong nước thì sản xuất các sản phẩm dệt may, da giày, mới có thể hưởng ưu đãi trong các các Hiệp định thương mại tự do (như EVFTA) hay vượt qua Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA).
Trong bối cảnh nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác, về lâu dài sẽ làm giảm lợi thế của hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu.
Do đó, những trao đổi về Đề án thành lập Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang trở thành chủ đề chính trong Hội nghị giao ban của Bộ Công thương với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hôm 5/9.
Tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng vấn đề hình thành trung tâm nguyên phụ liệu dệt may, da giày không phải là vấn đề mới. Năm 2004, Hiệp hội này và Vinatex đã đề xuất và được Bộ Công thương, chính quyền TP.HCM, Hà Nội ủng hộ, giao 2ha phía Bắc và 5ha phía Nam để thành lập trung tâm nguyên phụ liệu dệt may. Tuy nhiên các trung tâm này vẫn chưa thể xây dựng.
Một số doanh nghiệp trong ngành chủ động xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu nhưng cũng không thành công. Công ty TNHH Liên Anh trước đây đã đầu tư trung tâm nguyên phụ liệu dệt may da giày tại huyện Dĩ An, Bình Dương nhưng sau vài năm hoạt động cũng đóng cửa. Công ty May Sài Gòn 2 dành hẳn xưởng sản xuất thành lập trung tâm nguyên phụ liệu nhưng cũng thất bị. Năm 2003 trung tâm của Vinatex cũng trong tình trạng tương tự.
Theo ông Cẩm, việc thành lập không phải vấn đề lớn nhưng để thành công hay không thì còn phụ thuộc vào cơ chế hoạt động, hỗ trợ. “Muốn làm thành công phải sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành, địa phương chứ không phải lúc này tạo điều kiện nhưng lúc khác lại không. Ví dụ nói giao đất nhưng thời gian giao rất lâu, gây khó khăn cho doanh nghiệp ở khâu chuẩn bị”, ông nói.
Là một doanh nghiệp từng đứng ra xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách tỉnh Bình Dương cho biết đã 5 lần, 7 lượt thất bại. Nguyên nhân là do cơ cấu gia công của ngành dệt may da giày Việt Nam quá nặng nề. Các đối tác nước ngoài thường chỉ định nhà cung ứng nguyên phụ liệu, có thể từ nhà cung ứng nước ngoài hoặc trong nước, doanh nghiệp không chủ động được khâu cung ứng. Vì vậy việc thu hút nhà sản xuất đưa vải lên các trung tâm nguyên phụ liệu để trưng bày chưa hiệu quả.
“Những người trưng bày nguyên phụ liệu bán cho ai? Đầu vào thì có thể có nhưng đầu ra lại không có. Đó là nguyên nhân chính cho sự thất bại của các trung tâm nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Các bộ ban ngành cần có cơ chế để giảm bớt cơ cấu gia công thì các trung tâm này mới có thể phát triển bền vững được. Bên cạnh đó phải thành lập trung tâm phát triển mẫu mã và các trung tâm đấu giá sản phẩm. Nếu hiện nay thành lập trung tâm nhưng không có hoạt động kinh doanh mua bán thì không sớm thì muộn các trung tâm cũng thất bại”, bà Liên băn khoăn.
Hồi sinh các trung tâm nguyên phụ liệu
Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết các trung tâm dệt may da giày trước đây thất bại một phần do quy mô quá bé, có trung tâm chỉ 5ha. Ông Thuấn lấy ví dụ về Trung tâm nguyên phụ liệu của Phúc Kiến (Trung Quốc), được xem là thành phố thời trang của Phúc Kiến. Họ thành công vì kết hợp cả nguyên phụ liệu và thiết kế sản phẩm.
Ông Trương Văn Cẩm chia sẻ, ở Hàn Quốc họ phát triển các trung tâm thời trang, nhà nước hỗ trợ 100% hoạt động. Hay Đài Loan có trung tâm thời trang, Nhà nước hỗ trợ đào tạo các nhà thiết kế để trung tâm đi vào hoạt động. Trung Quốc có trung tâm nguyên phụ liệu nhưng họ là nước sản xuất rất mạnh và các nhà sản xuất có thể đưa đến đó trưng bày. Vị này đề nghị thương vụ Việt Nam ở những nước này học hỏi kinh nghiệm để hỗ trợ việc xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu trong nước.
Bày tỏ quan điểm về việc cần thiết xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu thời trang, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh dệt may và da giày là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 10%/năm.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hai ngành vẫn đạt gần 30 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tạo ra gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam.
Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều quốc gia hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang đặt ra các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung. Điều này bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao.
Vì vậy, ông Tuấn Anh cũng cho biết thời gian qua, Cục Công nghiệp đã làm việc với hai hiệp hội và cho ý kiến về việc hoàn chỉnh chi tiết Đề án thành lập Trung tâm như việc thống nhất tên gọi, vị trí, quy mô, hình thức, nguồn vốn, đánh giá tác động…
“Dự kiến trong tháng 10, các hiệp hội sẽ triển khai đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc và các quốc gia khác đã xây dựng thành công mô hình này để hoàn thiện đề án đảm bảo phù hợp với thực tế và vận hành hiệu quả trong tương lai”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.