Bạo hành gia đình bao giờ mới hết?

(DNTO) - Bạo hành gia đình trong thực tế luôn bị dư luận lên án gay gắt, luật pháp cũng đưa ra nhiều quy định xử phạt cụ thể. Thế nhưng tại sao tình trạng này vẫn xảy ra và nhiều trường hợp nghiêm trọng dẫn đến người mất mạng, kẻ vô tù?
Kể từ năm 1999, ngày 25/11 hằng năm được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ định là Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Sự kiện này cho thấy bạo lực đối với phụ nữ đang là mối quan tâm hàng đầu trong nỗ lực thực hiện bình đẳng giới.
Tại Việt Nam, nói đến bạo lực đối với phụ nữ người ta nghĩ ngay đến bạo lực gia đình, gọi nôm na là vấn nạn “phụ nữ bị chồng đánh” - một vấn nạn cho đến nay vẫn còn đang nhức nhối, nan giải, mặc dù nhà chức trách, các cơ quan, đoàn thể liên quan đã và đang hết sức nỗ lực.

DJ Phan Ngọc (Ximer) tấn công tới tấp vào vợ vừa mới sinh con được 5 tháng. Ảnh cắt từ clip
Mới đây, tối 10/4, mạng xã hội tràn lan clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông liên tục đánh vào mặt một phụ nữ mặc cho nạn nhân cố gắng chống trả. Người đàn ông sau đó được xác định là DJ Phan Ngọc (Ximer), nạn nhân là vợ của anh ta, chị T.L. (Hà Nội) vừa mới sinh con được 5 tháng.
Đoạn clip lan truyền với tốc độ “tên bay” làm dậy lên làn sóng phẫn nộ dữ dội trên toàn cõi mạng. Nhiều cư dân lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực này, đề nghị pháp luật trừng trị đích đáng.
Bạo hành gia đình trong thực tế luôn bị dư luận lên án gay gắt. Về phía luật pháp cũng đưa ra nhiều quy định xử phạt cụ thể. Thế nhưng tại sao tình trạng này vẫn xảy ra và nhiều trường hợp nghiêm trọng dẫn đến người mất mạng, kẻ vô tù?
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân xa - gần, chủ quan – khách quan… được các chuyên gia đưa ra. Có thể điểm qua vài nguyên nhân chủ yếu như sau:
Thứ nhất xuất phát từ truyền thống văn hóa lâu đời ăn sâu bền bỉ trong tâm thức người Việt. Đó là những hệ thống định kiến xã hội như “thuyền theo lái, gái theo chồng”, “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”… Các giá trị và chuẩn mực văn hóa dựa trên Nho giáo, triết lý âm - dương của phương Đông dung dưỡng cho chế độ phụ quyền, tạo ưu thế nghiêng về phía đàn ông trong mối quan hệ vợ chồng. Những định kiến này cũng khiến cho cuộc đấu tranh thực hiện bình đẳng giới ở nước ta trở thành “nửa vời”. Nó tạo ra xung đột mới - cũ. Từ xung đột này, bạo lực gia đình nảy sinh.
Thứ hai là sự “im lặng đáng sợ” của các bà vợ bị chồng bạo hành. Họ cam chịu và khuất phục trước người đàn ông vũ phu. “Xấu chàng hổ ai” được cài đặt sẵn trong tiềm thức của họ nên thay vì chạy ra ngoài kêu cứu thì họ lại lộn ngược vào trong cắn răng chịu ăn đòn.
Trong nhiều trường hợp, phụ nữ “im lặng” do sợ mất mặt, sợ ảnh hưởng danh tiếng, sợ tiêu tan sự nghiệp… Họ hy vọng cơ may chồng thay đổi hoặc tin vào lời hứa sẽ thay đổi; Hy vọng cứu vãn tình thế cho con “có đủ cha đủ mẹ”…
Đây chính là trường hợp của Chị T.L, người vợ trong video đề cập ở trên. Chị L. phân bua do “anh ấy hiểu lầm và bị cảm xúc che mất lý trí”. Chị nói thêm: Người đáng thương nhất lúc này không phải là chị, mà là đứa con 5 tháng tuổi của chị. Chị nhấn mạnh, chị có thể lựa chọn rời đi nhưng vẫn chọn ở lại, bởi chị muốn cho tổ ấm nhỏ “một con đường để trở về”.
Tuy nhiên, bên cạnh phần đông dư luận lên án, phẫn nộ cũng còn không ít người ưa thói bình phẩm soi mói, đàm tiếu, đả kích, đổ lỗi cho nạn nhân "Chắc cũng làm gì chồng mới đánh", hoặc lãnh đạm thờ ơ xem đó là việc riêng của gia đình người ta chớ nên chỏ mũi vào, không khéo vạ lây. Chính điều này góp phần khiến cho nạn nhân im lặng...
Sự bất cập giữa “luật và đời”
Về luật pháp, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đi vào cuộc sống nhưng xem ra vẫn chưa đủ sức mạnh để phá vỡ những định kiến xã hội. Trên thực tế giữa luật và đời còn rất nhiều bất cập.
Ví dụ: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định chính quyền đoàn thể địa phương cần kịp thời vào cuộc ngay lúc ban đầu, hỗ trợ nạn nhân cả về tâm lý và pháp lý. Nhưng nếu nạn nhân giữ im lặng không tố cáo thì hành vi bạo lực gia đình chỉ có thể bị truy cứu khi nào hậu quả của nó vô cùng nghiêm trọng và đủ điều kiện theo luật định.
Kế đến, theo Luật sư Trần Thị Thu Hằng (Đoàn luật sư TP.HCM) nếu xét thấy nguồn tin hợp pháp, có chứng cứ khách quan (clip, hình ảnh, nhân chứng…), đủ căn cứ để cơ quan chức năng vào cuộc thì kể cả khi nạn nhân không tố giác cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý.

Sự “im lặng đáng sợ” của các bà vợ bị chồng bạo hành góp gió vào bão. Ảnh: Internet
Tuy nhiên cũng chinh luật sư lưu ý: Đối với hành vi lan truyền clip bạo lực mà không có sự đồng ý của người trong cuộc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Hoặc có thể bị phạt 20 - 30 triệu đồng theo điều 84 nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi năm 2022) quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin đời tư trái pháp luật của người khác.
Với những bất cập như thế này, người dân chắc chắn sẽ rất lúng túng.
Sắp tới đây từ ngày 01/6 - 30/6/2025, cả nước từ trung ương đến địa phương sẽ đồng bộ tiến hành triển khai “Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025” với chủ đề truyền thông: “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”.
Hy vọng bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025… sẽ mang đến hiệu quả thực tế.