Muốn xóa bỏ bạo lực phụ nữ, cần xóa bỏ bạo lực gia đình trước
(DNTO) - Cùng với cộng đồng quốc tế, nhiều năm qua Việt Nam đã hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ bằng nhiều nỗ lực. Trong đó, phòng chống bạo lực gia đình được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế, thực trạng này vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Ngày 25/11 hằng năm được lấy làm ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Sự kiện này được thành lập bởi Liên hiệp quốc vào năm 1999 nhằm tưởng nhớ 16 phụ nữ đã mất trong một vụ ám sát tại Cộng hòa Đôminic vào năm 1960.
Đã 24 năm trôi qua, cùng với cuộc đấu tranh bình đẳng giới, cùng với việc hưởng ứng ngày quốc tế tôn vinh phụ nữ 8/3, đồng thời với việc thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các chiến dịch đấu tranh, các hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình đã được Đảng, nhà nước và các đoàn thể quan tâm.
Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ… đều nhắm kêu gọi chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ.
Còn đó những nỗi lo
Hành vi bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ bao gồm cả trẻ em gái ở nước ta cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang là tình trạng đáng báo động.
Bạo hành phụ nữ mà nạn nhân là các bà vợ là loại bạo hành phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Không chỉ thành phần lao động phổ thông nghèo ít học mà ngay cả các gia đình trí thức, có địa vị xã hội. Từ những nguyên nhân nhỏ nhặt do say xỉn, ghen tương đến các mâu thuẫn “có gốc rễ”. Từ thượng cẳng tay, hạ cẳng chân đến dùng hung khí. Hậu quả để lại từ tổn thương tinh thần đến sức khỏe, từ xây xát đến mất mạng…
Mới đây ngày 30/5, cư dân mạng vô cùng phẫn nộ với đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người đàn ông nắm tóc người phụ nữ kéo ra đường, dùng tay chân, cán chổi liên tiếp đánh vào người phụ nữ mặc cho người này van xin trong tình trạng máu me đầy người.
Sự việc được cho là chồng đánh vợ xảy ra tại ấp Phú Trường Yên, xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Cũng trong tháng 5/2023, Trần Văn Luân (SN 1986, trú xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã đánh vợ là chị Bùi Thị Tuyết G. (36 tuổi, ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) đang mang thai tháng thứ 7, gây nên 62 vết bỏng, 143 vết xước, gây bầm tím khắp cơ thể với tỷ lệ tổn thương là 29%, theo kết luận giám định pháp y. Sự việc sau đó đã trở thành hiện tượng trên các nền tảng mạng xã hội.
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Chấm dứt tình trạng bạo hành phụ nữ cần sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan, đoàn thể, gia đình và ngay chính bản thân người phụ nữ.
Hãy thay đổi quan niệm cũ xưa cho rằng chuyện nhà “đóng cửa bảo nhau”, vợ chồng “xấu chàng hổ thiếp”, có đóng phạt thì cũng là tiền của mình, hoặc “tố cáo cho “nó” đi tù rồi về sẽ đến khổ với “nó”… để rồi thỏa hiệp, dung dưỡng, giấu nhẹm sự việc khi bị bạo hành.
Nguy hiểm nhất là thái độ tự kỷ ám thị, tự cho rằng lỗi tại mình, bản thân chưa đủ tốt, không có giá trị, không xứng đáng được tôn trọng và yêu thương… Dù cho bản thân có lỗi hay không có giá trị hoặc chưa đủ tốt chị em vẫn không được cho phép người khác quyền hành hạ đánh đập mình.
Việc nhịn nhục, cam tâm chịu đựng chồng bạo hành của chị em đôi khi đẩy con cái vào con đường phạm tội, như trường hợp trước đây, một em học sinh đã gí điện giết chết cha mình vì chứng kiến ông nhậu say xỉn về đánh đập mẹ cậu trong nhiều năm.
Các cơ quan đoàn thể nhất là Hội liên hiệp phụ nữ cần làm điểm tựa cho chị em, tuyên truyền, giáo dục, phát hiện và tham mưu cho chính quyền đưa “thủ phạm” ra xử lý không nên cho rằng đó là việc riêng của gia đình để giải quyết trong phạm vi gia đình, chỉ khi nào được cầu cứu thì mới can thiệp.
Đối với cơ quan thi hành pháp luật, cần có các hình phạt nghiêm minh mang tính phòng ngừa, răn đe cao hơn nữa. Những trường hợp bạo hành gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của đối phương, cần quy trách nhiệm xử lý sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác, không nhất thiết phải hòa giải.
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) hòa giải không giải quyết được vấn đề tận gốc. Hòa giải thường "chín bỏ làm mười", chồng giận thì vợ làm lành; vợ nhịn cho chồng khỏi đánh. Thế là phụ nữ phải nhịn nhục, chịu đựng”. Theo bà, để ngăn chặn bạo lực gia đình, hành vi đánh người phải bị bắt giữ ngay. Trước mắt tạm giữ đã để không gây nguy hại tiếp cho nạn nhân. Rồi đưa ra Toà án để xử lý. Đánh người thì không có hòa giải…
Hưởng ứng “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng trước hết cần tiếp tục kiên trì đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình. Trong đó, quan trọng nhất là người phụ nữ hãy tự cứu mình.