Vấn nạn bạo hành trẻ em: Cần giải pháp từ nhiều phía
(DNTO) - Thực trạng bạo hành trẻ em ngày càng phổ biến và đa dạng, nó không chỉ xảy ra ngoài xã hội mà còn diễn ra trong chính gia đình.
Sáng 21/7, Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm công khai bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái liên quan đến vụ án bé gái V.A., 8 tuổi, bị bạo hành đến tử vong tại căn hộ chung cư ở quận Bình Thạnh.
Bất chấp trời mưa, dòng người từ khắp nơi đổ về. Họ mang theo băng rôn, áp phích cùng di ảnh của bé V.A. tập trung chật kín sân trụ sở TAND TP.HCM, nước mắt hòa lẫn nước mưa.
Điều mọi người mong đợi từ hơn nửa năm nay là phiên xử này sẽ trừng trị đích đáng hai kẻ cầm thú kia. Người ta đòi hỏi bản án tử hình, không chỉ cho Nguyễn Võ Quỳnh Trang mà cho cả Nguyễn Kim Trung Thái với tội danh Giết người.
Phiên tòa sau đó được tạm hoãn để chờ kết quả giám định thương tích của nạn nhân đồng thời xem xét lời đề nghị của luật sư đổi tội danh thành “Giết người” với bị cáo Trung Thái. Mặc dù chưa có phán quyết cuối cùng nhưng những người dự khán và dư luận đều hy vọng về một bản án luận đúng người, đúng tội, phù hợp lòng dân sẽ được tuyên trong phiên xử tiếp theo.
Câu chuyện của bé V.A. một lần nữa khắc sâu sự thật đau lòng khi vấn nạn trẻ em bị bạo hành ở nước ta, đặc biệt là tình trạng trẻ bị chính người thân, thậm chí bố mẹ ruột bạo hành, không còn là chuyện lạ. Rất nhiều vụ việc làm xôn xao dư luận, tạo nên làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ. Nhiều vụ bị khởi tố và đưa ra xét xử. Nhiều thủ phạm cũng đã phải ngồi tù.
Nhưng hình như sự trừng trị của pháp luật vẫn chưa đủ sức răn đe, chưa đủ làm thức tỉnh những con người vô nhân tính, tàn độc, dã man như cặp đôi “già nhân ngãi non vợ chồng” Trung Thái - Quỳnh Trang.
Những hành vi vô lương tâm mà Thái và Trang nhắm vào đứa con gái 8 tuổi của họ đã đẩy sự căm phẫn của người dân lên đến nấc cuối cùng, khiến vụ án được người dân cả nước quan tâm và ngay trong quá trình điều tra đã được Giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo đưa ra xét xử làm án điểm.
Phiên tòa tạm hoãn, kỳ vọng của người dân về một bản án thuận ý trời và hợp lòng dân là có cơ sở. Nhưng đó là câu chuyện sắp tới, còn tại thời điểm này, chí ít vụ án cũng để lại cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm, nhiều bài học giá trị về hôn nhân, về tình thương, trách nhiệm, cách ứng xử của cha mẹ với con cái, nhất là những gia đình rơi vào cảnh “rổ rá cạp lại” dẫn đến “con ông, con bà, con chúng ta”…
Theo số liệu điều tra xã hội học ở TP. HCM, thì cứ gần ba đôi kết hôn, có một đôi ly hôn, kéo theo mỗi năm có hơn 50.000 trẻ em rơi vào hoàn cảnh cha mẹ bỏ nhau và 30% trẻ em lang thang đường phố xuất thân từ hoàn cảnh này.
Có hàng tỷ lý do khác nhau để các cặp vợ chồng dẫn đến ly hôn nhưng chỉ có một kết cuộc để lại, đó là nỗi đau. Nỗi đau nặng nề và dai dẳng không chỉ dành riêng cho người trong cuộc mà còn liên lụy đến người thân của họ, trong đó những đứa con là đối tượng gánh chịu nhiều phần thua thiệt hơn cả.
Tái hôn trở thành hiện tượng xã hội, được xem là nhu cầu chính đáng của những ông bố bà mẹ trót lâm cảnh “tái độc thân”.
Tuy nhiên, khi cha mẹ bước thêm bước nữa thì rủi ro phải gánh chịu nạn bạo hành, ngược đãi của con cái từ phía cha dượng/ mẹ kế là rất lớn. “Mấy đời đánh đúc có xương…” không phải là chân lý nhưng nó rơi vào hầu hết gia đình có mẹ kế, điển hình là “dì ghẻ” Quỳnh Trang.
Với những đứa trẻ bất hạnh mang tên “con riêng” - những đứa con chỉ “thuộc về” một phía - chúng không được xem là “của chung” trong mối quan hệ gia đình, chúng cần lòng bác ái, sự nhân từ và tình yêu thương từ cha dượng/mẹ kế. Nhưng khi thể hiện lòng dạ hận thù, ích kỷ, nhỏ nhen, nhẫn tâm, ác độc… Quỳnh Trang lại không lường hết sự nghiêm minh của pháp luật.
Trong thực tế, không ít bố mẹ hy sinh hạnh phúc cá nhân chỉ vì sợ con rơi vào cảnh “khác máu tanh lòng”. Nhiều người sau khi “gãy gánh”, tiêu chí hàng đầu chọn bạn đời tiếp theo phải là người yêu thương con cái họ. Lại cũng có trường hợp vì người gá nghĩa đối xử tệ bạc với con riêng của mình mà họ chấp nhận chia tay.
Tiếc thay, Trung Thái không phải là người như thế. Vì vô cảm, thiếu trách nhiệm, không đủ lòng thương yêu con, Thái đã thỏa hiệp cùng người tình bạo hành con gái ruột của mình cho đến chết.
Ở một góc khác, trong cuộc hôn nhân đổ vỡ, khi con trẻ phải sống cùng bố dượng/mẹ kế thì bố/mẹ phải hết sức chú ý, thăm nom, quan tâm sâu sát, theo dõi con mình để kịp thời hỗ trợ và nếu cần thì giải thoát cho con.
Với con trẻ - nạn nhân thụ động của ly hôn - về đạo lý, sức mạnh, thể lực, trí tuệ, nhận thức, tâm lý… các con hoàn toàn không thể chống cự, phản kháng, thường chỉ “xuôi tay chịu trận”. Chúng ta cần dạy con biết cách tự vệ tối thiểu, khi cần cầu cứu hãy gọi số điện thoại khẩn cấp 111, rất dễ thuộc, dễ nhớ, dễ gọi.
Với cộng đồng xung quanh, cần tuyên truyền xóa bỏ ý nghĩ chuyện bố mẹ đánh con là chuyện riêng của gia đình, không liên quan tới mình.
Đã đến lúc các ban ngành đoàn thể, các cơ quan có liên quan, kể cả luật pháp, phải cấp bách vào cuộc, cần thiết xử thật nghiêm minh đúng người đúng tội.
Vấn nạn bạo hành trẻ em, cần giải pháp từ nhiều phía.