Phép màu đã không xảy ra
(DNTO) - Sau gần 2 tháng điều trị, bé Đ.N.A. (3 tuổi) ở Thạch Thất (Hà Nội) bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu đã tử vong. Không phải một, đã có hàng ngàn hồi chuông gióng lên gõ vào trái tim những người có lương tri, nhưng thanh âm của nó chỉ khua động thoáng qua rồi tan biến…
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, từ ngày 22/12/2021 đến ngày 17/1/2022, liên tiếp hai vụ bạo hành trẻ em xảy ra với tính chất tàn độc, dã thú đã làm hàng triệu con tim bị bóp nghẹt: Vụ bé gái N.T.V.A. 8 tuổi ở quận 1, TP.HCM bị người tình của bố bạo hành đến tử vong chưa kịp lắng xuống, thì với 9 chiếc đinh trong đầu do người tình của mẹ đóng vào đã khiến bé gái Đ.N.A, 3 tuổi, ở Canh Nậu, Thạch Thất Hà Nội, phải nhập viện trong tình trạng sinh mạng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong tình hình dịch bệnh diễn ra với con số người nhiễm mỗi ngày tăng lên chóng mặt, dư luận vẫn không quên theo dõi tiến triển sức khỏe của cô bé tội nghiệp đang ngày đêm vật lộn với tử thần để giành lại mạng sống của mình. Nhưng… phép màu đã không xảy ra, con đã thua cuộc, những thiên thần áo trắng ở Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi của bệnh viện Xanh Pôn đã không thể cứu con. Con đã vĩnh viễn từ giã cuộc sống.
Rất nhanh, nhiều hình ảnh, tin bài được đưa đi. Trên mạng xã hội Facebook cũng ngập tràn trạng thái tiếc thương cháu bé, cùng sự phẫn nộ, lên án kẻ ác tâm thua loài cầm thú kia. Một lần nữa, hồi chuông cấp báo lại khẩn khoản gióng lên gõ vào trái tim những người có lương tri, xin hãy chung tay cứu lấy trẻ em, hãy tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa ngăn chặn có hiệu quả nạn bạo hành trẻ em đang ngày càng tăng về số lượng và mức độ tàn khốc.
Trẻ em bị bạo hành từ lâu đã là mối quan tâm của toàn xã hội. Phạm vi bạo hành đối với trẻ em không chỉ từ bên ngoài xã hội như bốc lột sức lao động, bắt cóc, xâm hại tình dục, bạo hành học đường, mà ngày càng xảy ra nhiều vụ án trong phạm vi gia đình mà thủ phạm chính là người thân, thậm chí là bố mẹ đẻ của các em. Với những gia đình có sự đổ vỡ về hôn nhân, khi mà cha mẹ đi bước nữa thì sự rủi ro phải gánh chịu nạn bạo hành của con trẻ là rất lớn. Các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị bạo hành, ngược đãi của cha dượng hay của mẹ kế mà hai vụ án đề cập bên trên là một điển hình.
“Mấy đời đánh đúc có xương…” không phải là chân lý, nhưng nó chính xác cho hầu hết hoàn cảnh gia đình có mẹ kế. Sự lạnh nhạt, ngược đãi, hiếp đáp vì không có tình thương là bạo hành tinh thần. Sự đánh đập đòn roi là bạo hành thể xác.
Tương tự tình trạng bố dượng bạo hành con riêng của vợ cũng không phải hiếm. Đau khổ nhất là tình trạng cha dượng xâm hại tình dục đối với con gái riêng của vợ. Nhiều vụ đã bị đưa ra ánh sáng và chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Trong các loại bạo hành, bảo hành nhắm vào trẻ em là không thể tha thứ. Không có một lý lẽ nào được coi là hợp lý để biện minh cho những tội ác này. Bởi vì, về thể chất, trẻ em không đủ chiều cao, cân nặng, không đủ sức mạnh để chống cự. Về trí tuệ, các em chưa đủ trí khôn để phân biệt đúng sai, giả chân, thiện ác, càng không thể nghĩ ra cách đối phó để thoát thân. Về tinh thần, các em dễ bị tổn thương, khi tổn thương thì khó lành lặn, dễ bị ám ảnh, khi bị ám ảnh thì rất lâu dài thậm chí có thể làm thay đổi quan điểm của trẻ về cuộc sống sau này.
Một lần nữa, Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kêu gọi những cặp vợ chồng ly hôn, ly thân mà có con, ông bà, chú bác, dòng họ cần quan tâm đến con, cháu mình hơn, tìm hiểu xem trẻ có được bảo vệ tốt không.
Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng cũng cần được phát huy hơn. Các tổ chức xã hội, đoàn thể ở cơ sở, cộng đồng dân cư, hàng xóm láng giềng cần có thái độ kiên quyết, mạnh mẽ, ngăn chặn kịp thời hoặc báo cho cơ quan hữu quan khi phát hiện có bạo hành trẻ em trong gia đình, không nên cho đó là “chuyện riêng của gia đình người ta”. Đừng để hậu quả đau lòng xảy ra thì vụ việc mới bị phát giác rồi ra sức lên án nguyền rủa thì đã muộn.
Cuối cùng, với những thủ phạm gây ra tội ác bạo hành, xâm phạm trẻ em, đặc biệt là với trẻ em là người thân trong gia đình, toàn dân kêu gọi luật pháp hãy xử lý thật nghiêm minh để trừng trị kẻ thủ ác và n găn ngừa, răn đe người khác.