Có phải bạo hành con cái ngày nay bắt nguồn từ quan điểm ‘thương cho roi cho vọt’
(DNTO) - Nhiều người cho rằng, tình trạng bố mẹ bạo hành con cái xảy ra ngày càng nhiều và để lại hậu quả ngày càng nghiêm trọng bắt nguồn từ quan điểm “thương cho roi cho vọt”. Nhận định này liệu có chính xác?
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói là 97% “thủ phạm” chính là phụ huynh của nạn nhân. Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, giữa năm 2021, giãn cách xã hội, trẻ em ở suốt trong nhà, số cuộc gọi cầu cứu vì bị bạo hành gia đình tăng lên tới 40.000 - 50.000 mỗi tháng.
Trong thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc bố mẹ bạo hành con cái gây xôn xao phẫn nộ trong dư luận. Mới đây nhất là vụ bố ruột đánh con gái 6 tuổi đến tử vong ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội…
Thật đau lòng mà nói rằng: Tình trạng bố mẹ và người thân trong gia đình bạo hành con cháu hiện nay đã không có gì lạ và mới.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu và nhiều bài viết phân tích về hiện tượng nguyên nhân, cách ngăn chặn tệ nạn bạo hành con cái. Trong đó, không ít người cho rằng bạo hành gia đình bắt nguồn từ câu tục ngữ dân gian “Thương cho voi cho vọt” và cho đó là quan niệm văn hóa truyền thống, là phương châm phổ biến trong nuôi dạy trẻ em của nhiều thế hệ ở Việt Nam.
Việc “đổ thừa” này khiến cho câu tục ngữ trên “bị hàm oan”. Thật ra “Thương cho roi cho vọt/ghét cho ngọt cho bùi” đầy đủ phải có hai vế như trên. Không gian bao hàm của nó rộng lớn hơn nhiều, chứ không nhằm chỉ riêng về việc giáo dục con cái trong phạm vi gia đình. Câu tục ngữ với các cụm từ đi cùng nhau thương – roi vọt, ghét – ngọt bùi. Đây là một một nhận định rút ra từ thực tế cuộc sống.
Suy rộng ra, ông bà ta muốn nhắc nhở mọi người nên cẩn thận trước những lời lẽ ngọt ngào êm tai, lời khen sáo rỗng hoặc lời tâng bốc xu nịnh đến tận mây xanh kiểu “Mật ngọt chết ruồi” vì trong nhiều trường hợp, đó là cách đối xử không thật lòng của những người “ghét” ta. Chẳng qua họ thảo mai, ve vuốt, tâng bốc, nói những lời ngọt ngào, bùi tai khiến ta chủ quan, mụ mị, càng ngày càng sai mà thôi. Đồng thời nên xem xét kỹ những lời nói có vẻ khó nghe, đóng góp thẳng vào những khuyết điểm,hạn chế, hay sai trái của ta theo kiểu “lời thật mất lòng” hay “thuốc đắng dã tật” nếu như qua đó ta có cơ hội sửa chữa để trở nên hoàn thiện hơn.
Trở lại với việc xưa nay một số người “lên án” câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt/ghét cho ngọt cho bùi” là cái gốc của bạo hành gia đình. Thật ra, với con cái không cha mẹ nào “ghét” và càng không cha mẹ nào muốn áp dụng “thủ đoạn” cho “ngọt bùi” như một cách “ám hại” con mình. Còn “roi vọt” được sử dụng trong răn dạy con cháu của người xưa nên hiểu một cách nhẹ nhàng là “bị đòn”. Một hình ảnh đã đi vào thơ ca nhạc họa là những trận đòn mang dấu ấn tuổi thơ: “Nhớ những ngày trốn học bị đòn roi (thơ Giang Nam).
Không nên gán cho đòn roi là nguồn gốc hay đồng nghĩa với bạo hành. Đòn roi đúng nghĩa trong răn dạy con cái của ông bà ta là hết sức nhân văn và đầy tình yêu thương, đồng thời có một tác dụng giáo dục nhất định.
Về bản chất lẫn hình thức, đòn roi hoàn toàn khác xa với bạo hành. Xin kể lại sau đây một trận đòn “kinh điển” của các ông bố bà mẹ ngày xưa:
Không hề có một quy định hay một ghi chép nào nhưng hầu như các trận đòn của trẻ em ngày xưa đều có chung một kịch bản “lưu truyền trong dân gian”. Đầu tiên “kẻ phạm tội” phải nằm cúi (nằm sấp úp mặt) trên một mặt phẳng sạch sẽ (thường là tấm phảng hoặc bộ ván). Sau đó, phụ huynh sẽ lấy một cây roi “chuyên dụng” có tác dụng “quắn đít” nhưng không gây “sát thương” (thường là một nhánh cây mây) đã được chuẩn bị sẵn để ở một chỗ nào đó nhất định trong nhà (thường là vắt trên vách tre hay gác trên giàn bếp, chứ không bạ gì đánh nấy). Tiếp theo là chuẩn bị một cái ghế để ngồi “xử án”. Thời gian chuẩn bị này có khi rất rề rà, lâu lắc, khiến cho “phạm nhân” thót cả ruột, hồi hộp lẫn hoang mang nhưng có lợi thế là đủ thời gian để suy nghĩ “ứng phó”.
Diễn biến chính của trận đòn là phụ huynh ngồi chễm chệ lên ghế nhịp roi xuống ván, vừa nhịp vừa kể tội (có cái trúng phóc có cái hơi “oan sai”), được cái là có hỏi “đúng không” nên tội phạm cũng được minh oan “dạ có hay không” (chứ không được cãi “xon xỏn”). Sau khi “hai bên” thống nhất các lỗi mắc phải thì đến phần được chờ đợi nhất của “phạm nhân” là câu hỏi: Bây giờ chịu mấy roi. Tất nhiên 99, 9 % trả lời là “Dạ con xin thiếu chịu”. Thường là đề nghị này được chấp thuận cho dồn các lần nợ trước vào. Cũng có khi tội nặng quá hoặc vi phạm tái đi tái lại nhiều lần thì bị một hoặc hai roi tượng trưng (đủ quắn đít). Thủ tục cuối cùng là được phép cho ngồi dậy, vòng tay: “Xin lỗi… mai mốt con hổng dám nữa”, rồi nhảy phóc xuống đất đi rửa mặt. Rửa mặt cũng nằm trong quy trình hẳn hoi vì thông thường dù bị đòn hay thiếu chịu, mấy em cũng bù lu bù loa, nước mắt ràn rụa nhằm “uy hiếp” phụ huynh. Còn “hổng dám nữa” cho đến bao giờ thì “hạ hồi phân giải”.
Có thể lớp người từng “ăn” những trận đòn kinh điển như thế hiện nay đã bước qua bên kia con dốc cuộc đời. Đó là những trận đòn, mỗi khi nhớ lại người ta thấy yêu, nhớ cha mẹ nhiều hơn. Rất nhiều người trong hồi ức của mình, xem những trận đòn thuở ấu thơ là những kỷ niệm đẹp khó phai và không ít người cho rằng nhờ những cái đau “quắn đít” ấy mà họ nên người.
Tóm lại, đòn roi của bố mẹ ngày trước hoàn toàn khác với những hành vi ngược đãi bạo hành con cái cần được lên án và bài trừ của một số ông bố bà mẹ thời nay.