Bạo lực tuổi thiếu niên có phần lỗi của người lớn
(DNTO) - Những năm gần đây, bạo lực ở tuổi thiếu niên đặc biệt là bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn của xã hội. Không chỉ ở trẻ em trai mà trẻ gái hình như có phần lấn lướt hơn về số vụ, về tính chất, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng. Nhìn nhận ở một khía cạnh khác của vấn đề: Bạo lực tuổi thiếu niên có phần lỗi của người lớn.
Mới đây ngày 28/9, clip ghi lại cảnh các nữ sinh hút cỏ Mỹ, đánh nhau trong nhà vệ sinh bị phát tán lên mạng xã hội. Sự việc sau đó, được ghi nhận xảy ra tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP.HCM. Trong clip, một nữ sinh đã bị 2 nữ sinh khác lần lượt túm tóc, đấm đá túi bụi vào người.
Tiếp theo, ngày 30/9, cũng lại lan truyền trên mạng xã hội, clip dài gần 3 phút ghi hình ảnh một nhóm nữ sinh đánh đập, lột đồ của một nữ sinh khác rồi quay clip dọa tung lên mạng. Vụ việc xảy ra vào ngày 27/9, trên đoạn đường vắng dẫn vào rừng keo ở địa phận xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Ở trên, chỉ là hai vụ việc mới xảy ra gần đây nhất. Trong thực tế, những trận đánh nhau giữa học sinh như thế này gần như là xảy ra thường xuyên. Đây là một vấn nạn xã hội đã được báo động. Tuy nhiên, tình trạng không những không có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng gia tăng về số lượng, về tính chất, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực học đường được cảnh báo từ các nhà tâm lý, giáo dục, xã hội học mà chúng ta thường nghe thấy bao gồm nguyên nhân chủ quan từ phía các em là do ảnh hưởng tâm lý ở giai đoạn tuổi mới lớn, nhu cầu muốn thể hiện bản thân, muốn khẳng định cái tôi, bốc đồng, thiếu kỹ năng ứng xử v.v…
Sau đó là đến các nguyên nhân khách quan gồm sự thiếu quan tâm của gia đình, sự giáo dục không toàn diện của nhà trường và nhất là các ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường xã hội…
Tuy nhiên, mọi đứa trẻ đều là tấm gương phản chiếu của người lớn. Xét theo chiều hướng này, chúng ta không thể phủ nhận: Bạo lực tuổi thiếu niên có phần lỗi của người lớn.
Trước tiên, "người lớn" gần gũi nhất với các em chính là bố mẹ. Bố mẹ là những người có ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất với trẻ. Bố mẹ đánh nhau ngay trước mặt con trẻ và sử dụng đòn roi với con, hiện vẫn còn phổ biến trong các gia đình Việt là nguyên nhân trực tiếp hình thành tính hung hăng của trẻ. Đứa trẻ luôn luôn phải chứng kiến cảnh bạo lực, dần dần sẽ xem là chuyện bình thường, chúng trở nên chai lì và sẽ có khuynh hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực như chúng đã từng chịu đựng hoặc chứng kiến.
Tấm gương phản chiếu hành vi bạo hành ở thiếu niên ngoài "người lớn trong nhà" còn là những thông tin, hình ảnh, clip về các vụ việc bạo hành xảy ra hằng ngày lan truyền trên mạng xã hội mà các em xem được. Rất nhiều vụ việc bạo hành trở thành các vụ án hình sự đình đám.
Chắc chắn mọi người vẫn còn nhớ vụ án gây bàng hoàng, chấn động cả nước vào năm ngoái: "Bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành tử vong". Ngày 28/4 vừa qua, tại TAND TP.HCM vụ án đã diễn ra phiên phúc thẩm. Phiên tòa được mở ra trong khung cảnh vắng lặng đến hiu hắt. Tuy nhiên, do bị cáo đã tự nguyện rút đơn kháng cáo nên tòa tuyên bố đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang, chấp nhận án tử hình.
Mới đây ngày 25/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng đã mở phiên tòa xét xử tuyên án tù chung thân hai bị cáo Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi, cùng trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là bảo mẫu đã bạo hành khiến cháu trai P.T.Đ. (17 tháng tuổi) tử vong vào ngày 2/3 do chấn thương sọ não.
Đặc biệt những trận đánh ghen sứt đầu, mẻ trán, thậm chí dẫn đến mất mạng của các bà, các cô, chính là dụng cụ trực quan sinh động để tạo nên những cuộc tranh chấp tình yêu học đường bằng bạo lực của các bạn nữ sinh trong học đường mà chúng ta vẫn thường bắt gặp. Gia đình bạo hành, nhà trường bạo hành, xã hội bạo hành, người lớn giải quyết sự tức giận, bức xúc, mâu thuẫn bằng bạo lực là liều thuốc độc đang đầu độc thiếu niên Việt Nam từng ngày.
Khi nào người lớn còn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì tình trạng bạo lực trong thanh thiếu niên nói chung và bạo lực học đường nói riêng vẫn còn tiếp diễn. TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: "Giáo dục bằng cách nêu gương là một trong những phương pháp giáo dục con người, được gọi là phương pháp nêu gương".
Không thể có một xã hội hoàn toàn không bạo lực. Nhưng nếu như người lớn tích cực làm tấm gương sáng thì chúng ta có quyền kỳ vọng vào một môi trường hòa ái, nhân văn cho con em chúng ta.