Vụ bé gái bị đóng đinh vào đầu: Cần ngăn chặn tức thì bạo hành trẻ em bằng hình phạt thật nghiêm minh
(DNTO) - Khi ngọn lửa phẫn nộ trong dư luận về việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong còn chưa hạ nhiệt thì mới đây, bé gái 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện và được phát hiện có 9 dị vật giống như đinh gỗ trong hộp sọ đã đẩy cơn giận dữ của cộng đồng lên đỉnh điểm.
Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em với mức độ nghiêm trọng do người thân sống cùng nhà gây ra (cụ thể là bố mẹ ruột, bố dượng, mẹ kế…) xảy ra. Chỉ trong vài tuần lễ, chúng ta phải chứng kiến hai vụ người tình bạo hành con riêng của vợ/chồng tương lai, hậu quả, một cháu 8 tuổi đã tử vong, còn một cháu 3 tuổi tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc, khiến tâm lý mọi người đang bị nặng nề quá tải và hàng triệu con tim bị bóp nghẹt mấy ngày nay. Nhiều người không dám đọc tin hoặc chỉ lướt qua.
Cho dù là người có trí tưởng tượng phong phú đến cỡ nào cũng không thể nghĩ ra sự độc ác ẩn trong hành vi của thủ phạm. Cho dù là một người vô cảm tột cùng cũng không thể không đau xót trước nỗi đau mà một đứa trẻ 3 tuổi trong vòng có 7 tháng phải nhập viện đến 4 lần do bị bắt nuốt đinh, uống thuốc trừ sâu, bị hành hạ gãy tay... và nghiêm trọng nhất là lần này, 9 cây đinh găm vào sọ não. Làm sao mà một đứa bé gái 3 tuổi có thể chịu đựng được nỗi đau mà người lớn chỉ nghe thôi đã kinh hãi?
Các vụ việc bạo hành trẻ em để lại hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra đã khiến các nhà chuyên môn, những người cầm bút, các bậc phụ huynh nghiên cứu, thống kê, phân tích nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có nhiều phân tích đánh giá gốc rễ sâu xa của hiện tượng, phân tích yếu tố khách quan, chủ quan. Đưa ra các biện pháp nâng cao nền tảng giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ khi bị bạo hành cho trẻ: phải tìm tới ai, phải gọi số điện thoại nào… Nói chung rất nhiều nguyên nhân và giải pháp được “hiến kế”.
Tuy nhiên, bạo hành trẻ em vẫn cứ ngang nhiên xảy ra không hề “chùn bước” như một sự thách thức dư luận.
Đã đến lúc chúng ta không còn thời gian để tìm hiểu, phân tích mọi nguyên nhân sâu xa về nguồn gốc, quan điểm, về tâm sinh lý, về cuộc sống xã hội, về hệ lụy ly hôn…. Đã đến lúc chúng ta không nên chờ đợi thời gian để con người thẩm thấu những giá trị nhân văn từ các “công trình nghiên cứu” xã hội học về tâm sinh lý, tâm thần học v. v…
Điều cần làm ngay và liền bây giờ:
Thứ nhất là chặn đứng kịp thời một cách quyết liệt, có bài bản hành vi tội ác này bằng các hình phạt nghiêm minh, thỏa đáng, có tính cách răn đe thật hiệu quả. Hình phạt phải làm cho người ta khiếp sợ mà không dám thực hiện hành vi. Nếu cần, có thể “đặc cách” sửa đổi tội danh và các hình phạt có liên quan đến bạo hành trẻ em trong Luật Hình sự.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM từng bức xúc: Nhiều vụ bạo hành trẻ không khởi tố khiến cho người ta cứ đánh thoải mái vì nghĩ sẽ không sao.
Trong nhiều trường hợp khi người bị hại ra báo cơ quan pháp luật, công an lại cho đó là chuyện gia đình, không đủ chứng cứ, khuyên gia đình tự giải quyết. Hoặc rất nhiều clip ghi lại vụ việc bạo hành trẻ em bị bỏ qua hoặc không khởi tố, điều này khiến người dân mất niềm tin. “Đơn cử như vụ việc bảo vệ dân phố đánh 2 thiếu niên ở quận 10, có clip làm chứng cứ, nhưng giám định thương tích là 0%, sau đó không khởi tố, chính những kẽ hở này khiến cho tình trạng bạo hành ở trẻ em ngày càng nhiều”, bà Nữ cho biết.
Thứ hai, trong tội ác này, những kẻ trực tiếp thỏa hiệp, đồng lõa, che giấu (cụ thể như người bố của bé gái 8 tuổi và bà mẹ trong vụ án bé gái bị đóng đinh vào hộp sọ) cần được xử hình phạt ngang hàng với thủ phạm. Thực tế chứng minh rất nhiều trẻ lớn lên trong các môi trường tổ chức xã hội, thiện nguyện tốt hoặc với bố mẹ nuôi có lòng từ tâm trẻ vẫn phát triển tốt, nhiều em sau này thành công, thành đạt ở nhiều vị trí xã hội… còn hơn là sống với “bố mẹ độc hại” (Toxic Parents).
Bên cạnh sự trừng trị của luật pháp, bạo hành gia đình đối trẻ em nhất định sẽ được ngăn chặn một cách hiệu quả nếu như tất cả cộng đồng cùng chung tay vào cuộc. Các đoàn thể: hội phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, chính quyền cơ sở, tổ dân phố/nhân dân tự quản, hội đồng đội các cấp, nhất là Hội Bảo vệ Quyền trẻ em với vai trò là cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Dù là người thân thích, hàng xóm hay chỉ là cộng đồng dân cư, khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ trẻ em bị bạo hành nên gọi ngay đến tổng đài 111 trước khi quá muộn. Hãy từ bỏ thói quen xem “đó là chuyện riêng của gia đình người ta…” để rồi sau khi tội ác xảy ra mới ra sức nguyền rủa kẻ thủ ác và xót thương cho đứa trẻ thì đã không còn cứu vãn được.
Đau đớn thay, chuyện trẻ em bị bạo hành ở nước ta giờ không còn là chuyện lạ, chuyện hiếm và cũng không còn là chuyện mới, thậm chí rất cũ. Nhưng mỗi khi nó xảy ra, sự phẫn nộ, xót thương trong ai cũng mới mẽ như lần đầu tiên. Đã đến lúc bạo hành gia đình đối với trẻ em không còn là chuyện của riêng ai. Hãy đừng để sự thờ ơ của chúng ta vô tình khiến một đứa trẻ bị tước đi sự sống trong đớn đau thể xác lẫn vong linh.