TP.HCM có thêm trung tâm trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới
(DNTO) - Hôm nay, 21/6, tại TP.HCM trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC) đã được thành lập để trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.
Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã ký hợp đồng với Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) để thành lập trung tâm này.
Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC), hay còn được gọi là “Ngôi nhà Ánh Dương” được thành lập nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ những người bị bạo lực.
Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tổng hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang gặp phải và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.
Trung tâm cung cấp các dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ từ công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp và chuyển tuyến.
Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời đảm bảo về quyền riêng tư và bí mật.
Hôm nay, ngoài TP.HCM, tại thành phố Đà Nẵng, một trung tâm cũng được thành lập.
Đường dây nóng 024 33335599 sẽ hoạt động 24/7 để tiếp nhận phản ánh và hỗ trợ phụ nữ, trẻ vị thành niên.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã thành lập Trung tâm đầu tiên tại Quảng Ninh vào tháng 4/2020. Và đầu năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra mắt Ngôi nhà Ánh Dương thứ hai tại Thanh Hóa với sự hỗ trợ của UNFPA cùng sự hợp tác của Chính phủ Nhật Bản. Hai Ngôi nhà Ánh Dương mới là nỗ lực thử nghiệm một mô hình mới với CSAGA, trong khi hai Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thực hiện dựa trên các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh, Thanh Hóa cho đến nay đã hỗ trợ hơn 450 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Đường dây nóng của Trung tâm, hoạt động 24/7 miễn phí, mỗi trung tâm nhận được hơn 1.000 cuộc gọi mỗi tháng, con số này đã vượt quá khả năng ban đầu.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh UNFPA và CSAGA có chung sứ mệnh là thúc đẩy quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đồng thời hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.
Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực không mệt mỏi của UNFPA trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời. Một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực về thể chất và/hoặc bạo lực tình dục do người chồng/bạn tình gây ra không kể cho bất cứ ai về tình trạng của họ và hầu hết những người trong số họ (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Do vậy, bạo lực đối với phụ nữ vẫn là vấn đề bị giấu kín trong xã hội Việt Nam hiện nay.