Bạo hành trẻ em - một hành vi cần lên án
(DNTO) - Tức giận là một trạng thái cảm xúc của con người. Nhưng biến sự tức giận thành hành động bạo hành trẻ em của người lớn là một việc làm nhẫn tâm, ác độc và hèn hạ.
Mới đây, nhiều người đã không kiềm được bức xúc và vô cùng phẫn nộ khi nhìn thấy trên một clip cắt ra từ camera hình ảnh người đàn ông không những thẳng tay tát vào mặt một bé gái mà còn vừa chửi vừa dọa khiến bé sợ hãi, khóc rồi bỏ chạy ra ngoài. Vụ việc xảy ra vào tối 7/6 tại khu vực nhà bóng ở khu vui chơi thuộc khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Người đàn ông nói trên tên Vũ Trọng Đ, 34 tuổi, trú huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Trong lúc dẫn con gái vào chơi bóng vô tình bị bé gái 4 tuổi ném bóng nhựa trúng mặt, Anh Đ. giận dữ đã dọa nạt và ra tay đánh cháu bé.
Sự việc khiến người ta nhớ lại hình ảnh người đàn ông tát, giật tóc bé gái 2 tuổi tại Trường mầm non Trumpkids (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai) từng làm dư luận phẫn nộ trước đây. Lý do vị phụ huynh này khai với cơ quan công an là: “Do cận thị, tôi tưởng con gái tôi bị cháu cắn chảy máu nên đã đánh cháu…".
Bạo hành trẻ em là hành vi thể hiện sự côn đồ, ích kỷ và coi thường sức khỏe của người khác, đặc biệt là trẻ em.
Cũng như tất cả các hành vi bạo hành nói chung, đây là một hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả xảy ra. Nếu nạn nhân có thương tích, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự. Rất tiếc, trong cơn giận dữ không kiểm soát, nhiều người bỏ quên điều này.
Song song với việc vi phạm luật pháp, bạo hành trẻ em, xét về mặt đạo đức là một tội ác cần được lên án. Tội ác nhắm vào trẻ em là không thể tha thứ. Không có một lý lẽ nào được coi là hợp lý để biện minh cho những tội ác nhắm vào trẻ em.
Bởi vì, về mặt thể chất, trẻ em không đủ chiều cao, cân nặng, không đủ sức mạnh để chống cự. Về trí tuệ, các em chưa đủ trí khôn để phân biệt đúng sai, giả chân, thiện ác, càng không thể nghĩ ra cách đối phó để thoát thân. Về tinh thần, các em dễ bị tổn thương, khi tổn thương thì khó lành lặn, dễ bị ám ảnh, khi bị ám ảnh thì rất lâu dài, thậm chí có thể làm thay đổi quan điểm của trẻ về cuộc sống sau này.
Bạo hành trẻ con không phải là mới lạ, nhưng nó ngày càng phổ biến và đa dạng. Tuy nhiên để dẫn đến bạo hành trẻ con, nguyên nhân của nó thường có nguồn gốc sâu xa liên quan đến ý thức hệ, tâm sinh lý, nhận thức giáo dục, hoàn cảnh sống, đổ vỡ hôn nhân, xung đột gia đình, bệnh lý…
Với những gia đình có sự đổ vỡ hôn nhân, khi mà cha mẹ đi bước nữa thì sự rủi ro phải gánh chịu nạn bạo hành của con trẻ là rất lớn. Các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị bạo hành, ngược đãi của cha dượng hay của mẹ kế. Như trường hợp bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành gây tử vong ở quận Bình Thạnh, TP.HCM; Vụ người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh vào đầu bé gái 3 tuổi... làm dậy sóng dư luận mà mọi người vẫn còn nhớ.
Hay do áp lực cuộc sống, do tuổi thơ bất hạnh, do bệnh lý trầm cảm nhiều vụ cha mẹ bạo hành con đến trật tay, gãy xương, thậm chí chấn thương sọ não..., gây rúng động dư luận thời gian gần đây,
Ngoài môi trường xã hội, nạn bạo hành trẻ em càng phức tạp hơn nhiều. Quấy rối tình dục, hiếp dâm thậm chí giết người phi tang nhắm vào đối tượng trẻ em ngày càng tăng. Thủ phạm cũng đa dạng về thành phần, tuổi tác kể cả những người có địa vị xã hội.
Tuy nhiên, chỉ vì một cơn tức giận mà ra tay đánh một đứa trẻ con mới vài tuổi đời đáng tuổi con mình thì không thể đem một thứ khoa học xã hội nào để lý giải, ngoài xuất phát từ bản chất côn đồ hèn hạ của một con người. Hành vi này cần được dư luận lên án và cần được luật pháp trừng trị thích đáng hơn nữa.
Hãy kêu gọi lương tri “người lớn”, đừng nhắm vào “trẻ con” để bạo hành. Đơn giản vì chúng cô thế và non nớt, đơn giản vì chúng ta ai cũng có con cháu.