Chủ tịch Vinatex: Có doanh nghiệp làm sản phẩm xanh nhưng tồn kho 10-20 triệu USD vì không bán được
(DNTO) - Không phải cứ đi trước thị trường, tạo ra các sản phẩm xanh sẽ dễ bán. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết do kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu ở mức cơ bản, khó trả tiền nhiều hơn cho sản phẩm xanh.
Khó tiếp cận người dùng vì còn đắt
Trong tọa đàm “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” hôm 7/6, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ... đang đặt ra rất nhiều quy định, tiêu chuẩn xanh hóa khắt khe với ngành dệt may vì đây là một ngành gây ô nhiễm môi trường thứ 2 toàn cầu.
Các doanh nghiệp của Vinatex hiện nay chưa thuộc đối tượng trực tiếp điều chỉnh/bắt buộc báo cáo theo các quy định ESG và kinh tế tuần hoàn. Nhưng đây cũng là đặc điểm rất rủi ro cho doanh nghiệp. Bởi tất cả các khuyến nghị của châu Âu về kinh tế tuần hoàn, tiêu chuẩn xanh mặc dù có hiệu lực nhưng khi kinh tế suy thoái, sức cầu giảm sút, họ lập tức hiệu chỉnh thời gian có hiệu lực của các quy định này.
Ví dụ quy định Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trước đây nói rằng thử nghiệm cho 4 ngành và đến năm 2026 sẽ xem xét bổ sung ngành dệt may, nhưng giờ vẫn chưa xem xét.
Hay các quy định liên quan đến “Thẩm định doanh nghiệp” (Due Diligence) đáng lẽ tháng 1/2024 phải báo cáo nhưng đến giờ lại hoãn đến năm 2026. Hay ngay trong phạm vi của Due Diligence, trước đây quy định doanh nghiệp dệt may có doanh số 150 triệu USD trên toàn cầu, trên 500 công nhân phải làm thẩm định. Nếu vậy gần như các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa dệt may ở Việt Nam phải thẩm định, dẫn tới thành phần sản xuất trong chuỗi cung ứng đó ở Việt Nam phải làm. Nhưng tháng 4 vừa qua, luật này đổi thành doanh nghiệp có doanh số 450 triệu USD toàn cầu, trên 1.000 lao động mới phải làm. Quy định mới này loại bỏ 70% doanh nghiệp phải làm Due Diligence và chỉ còn 0,05% số doanh nghiêp ở châu Âu phải thực hiện quy định này.
Ông Trường cho biết, việc các thị trường đích thay đổi quy định như chong chóng khiến doanh nghiệp như “đứng trước ngã 3 đường”, không biết bước đi tiếp theo ra sao. Nếu cứ bám theo nội dung cũ để thực hiện, doanh nghiệp bỏ ra chi phí rất lớn để làm tuần hoàn và kinh tế xanh thì sẽ bị ‘việt vị’. Trong khi tất cả những chi phí đó không thể hoàn lại. Vì vậy, nếu làm trước là bị thua lỗ.
“Thực tế giai đoạn Covid-19 và giai đoạn kinh tế khó khăn, mặt hàng thời trang xanh hay thực phẩm xanh là mặt hàng ế, vì quá đắt. Chúng tôi có những đối tác nhập về xơ tái chế, xơ tuần hoàn, giá trị 10-20 triệu USD đã để trong kho 1 năm nhưng không có đơn hàng để sản xuất”, ông Trường nêu ví dụ.
Chủ tịch Vinatex thừa nhận xu thế đã có, cả thế giới thừa nhận phải tiến tới xanh hóa, nhưng nó không phải một đường thẳng để ra chính sách, ra quy định và doanh nghiệp bám lấy nó và làm. Ví dụ trên cho thấy doanh nghiệp không thể đi trước và cũng không thể đi sau thị trường, chỉ có đi đúng, đồng hành với thị trường mới sống.
Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chính sách. Nếu Việt Nam đi sớm, tiên phong, tiêu chuẩn về môi trường, khí thải, chất thải rất cao, cao hơn thị trường đích, thì doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, yêu cầu của người mua chưa tới nên hàng Việt Nam sẽ đắt và không thể xuất khẩu.
“Cứ tưởng cả thế giới cam kết như thế thì sản phẩm xanh lên ngôi. Nhưng với người tiêu dùng, quá trình chuyển đổi giữa sản phẩm của nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn rất dài hơi vì đây là thay đổi hành vi tiêu dùng. Trước hết, hành vi tiêu dùng này chỉ thay đổi được khi thu nhập và đời sống của người dân nâng cao. Khi đó, họ mới chú ý đến việc ăn sạch, mặc sạch. Còn hiện nay, khi kinh tế khủng hoảng, họ quay về ăn cơ bản, mặc cơ bản. Quần áo sang trọng không bán được, 3 năm trở lại đây, chỉ có mặt hàng cơ bản là bán được”, vị này nói.
Ông Trường cho biết, doanh nghiệp dệt may giờ đây phải phối hợp rất chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi cung ứng, không dám “vượt trước” thị trường vì tỷ lệ sản phẩm xanh phải do thị trường quyết định, không phải do chính sách hay mục tiêu lý tưởng.
Cộng sinh để cùng hưởng lợi
Để xanh hóa nhưng tiết kiệm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, một mô hình mới đang được thử nghiệm ở nhiều khu công nghiệp là “cộng sinh công nghiệp”. Cụ thể, các sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này có thể tái sử dụng thành đầu vào của doanh nghiệp khác.
Ví dụ cộng sinh công nghiệp tại KCN Amata. Công ty Năng lượng xanh đã sử dụng biomass (vỏ trấu, vụn gỗ...), cung cấp hơi nước bão hòa cho công ty Pepsico. Nhờ đó, 60.000 tấn biomass đã được tái sử dụng, giúp giảm 16.156 tấn CO2 mỗi năm.
Hay Flat Glass Group thải ra 3.000 tấn bột mài kính mỗi năm. Trong khi đó Khu công nghiệp Deep C cần 2 triệu tấn vật liệu san lấp mặt bằng. Bột kính thông thường sẽ mang đi chôn lấp, nhưng nếu được cơ quan chức năng xác nhận đây là vật liệu có thể tái sử dụng được thì mới được sử dụng để san lấp. Quá trình thực hiện này phải diễn ra từ 1-2 năm.
Ngoài những mô trên, bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia Kỹ thuật Quốc gia UNIDO tại Việt Nam, cho biết trên thực tế có rất nhiều mô hình cộng sinh công nghiệp khác như tuần hoàn tái sử dụng nước, nhưng chưa thể thực hiện như tuần hoàn tái sử dụng nước trong công nghiệp vì khó khăn về pháp lý. Việc thực hành kinh tế tuần hoàn không chỉ có lựi ích cho môi trường mà còn hiệu quả về mặt kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu công nghiệp và các công ty. Vì vậy vị này mong muốn các bên liên quan cần ngồi lại để tháo gỡ các khó khăn về pháp lý trong việc cộng sinh công nghiệp.
Liên quan đến cơ chế, chính sách, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết cơ quan này đang sơ kết các nghị quyết lớn như Nghị quyết Kinh tế tư nhân hay trong lĩnh vực năng lượng..., nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nhiều cơ chế chính sách, chủ trương chưa được thể chế hóa. Trong khi đó, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lĩnh vực mới, lại liên quan đến tất cả các ngành phải dịch chuyển chung. Đây lại là vấn đề khó hơn.
Hiện nay, lần đầu tiên vấn đề bảo vệ môi trường được đưa vào Luật bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022. Nghị định 35 có nội dung về khu công nghiệp sinh thái. Để triển khai kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, theo vị này phải thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận với cơ chế hỗ trợ. Thay vì quá nhiều cơ chế nên thực hiện các tiêu chí rõ ràng, minh bạch và trực tiếp đến doanh nghiệp.
“Khi khảo sát một số khu công nghiệp lớn như VSIP, họ mong muốn chuyển sang khu công nghiệp sinh thái. Họ đề xuất một số chính sách mà tôi thấy đáng phải suy nghĩ. Đó là tại sao khu công nghiệp sinh thái chúng ta không chuyển thời gian thuê đất thành 70 năm, khác hẳn so với khu công nghiệp thông thường (50 năm) và những việc đó không có cơ chế xin –cho thì rất dễ thực hiện. Vì vậy, chuyển cách làm từ việc xây dựng quá nhiều chính sách, gây phân tán nguồn lực sang những cái Nhà nước hoàn toàn có thể làm được”, ông Hiển lấy ví dụ.