Các startup âm thầm tiến vào nền kinh tế nghìn tỷ USD
(DNTO) - Nhiều startup đang nỗ lực tạo ra giải pháp bảo vệ môi trường, tái chế rác thải, nhằm bước chân vào nền kinh tế tuần hoàn.
Bắt đầu từ những việc nhỏ
Trong một lần đi biển và nhìn thấy lưới đánh cá của ngư dân chứa đầy chai nhựa, túi nilon, thay vì những con cá, con mực, Hà Phan Kim Nguyệt nảy ra ý tưởng tái chế chúng để hạn chế xả thải ra môi trường.
Năm 2023, cô thành lập UPGreen Việt Nam, startup chuyên thu gom rác thải công nghiệp và tái chế thành vật liệu như tấm ván, đồ nội thất... Những loại rác nhựa trong quá trình sản xuất lại tiếp tục được sử dụng để tạo thành bức tranh nghệ thuật. Công ty cũng có hoạt động đào tạo tái chế và tư vấn CSR (trách nhiệm xã hội) cho các doanh nghiệp.
“Người tiêu dùng vẫn thường e ngại và chưa quen trước những món đồ tái chế. Đó là lý do chúng tôi tạo ra sản phẩm gần gũi với người dùng như những món đồ nội thất. Chúng tôi chú trọng vào thiết kế để chúng không chỉ là sản phẩm mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, hoa văn trên mỗi tác phẩm là hoa văn từ nhựa tái chế từ nhà máy Heineken, Samsung, ToShiba... Đây là điều thú vị và độc đáo mà đa phần người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận”, Kim Nguyệt nói.
Cơ quan phát triển Liên hợp quốc dự báo lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030. Chỉ xét riêng về chi phí và doanh thu tái chế, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ tiết kiệm được 1,27 nghìn tỷ USD. Hơn 3,25 nghìn tỷ USD sẽ được tiết kiệm từ các yếu tố bên ngoài có thể tránh được như sức khỏe, khí hậu, ô nhiễm không khí, suy thoái hệ sinh thái biển và các chi phí liên quan đến kiện tụng.
Khi phát triển bền vững trở thành mục tiêu chung của toàn cầu, các sản phẩm “xanh” cũng có nhiều chỗ đứng hơn. Nhiều startup đang tận dụng cơ hội này để bước vào nền kinh tế mới trị giá hàng nghìn tỷ USD. Họ bắt đầu từ việc tiết kiệm tài nguyên với hoạt động nhỏ nhất, gần nhất trong cuộc sống hàng ngày. Đây là cũng cách làm của SDVICO, công ty cung cấp phần mềm quản lý tàu cá, sản xuất thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu, đang vận hành.
Nhận thấy 1 xưởng giặt ở Vũng Tàu mỗi ngày tiêu thụ tới 80 mét khối nước, trong khi giá mỗi mét khối nước (cả thuế) là 22.000 đồng, SDVICO phát triển giải pháp xử lý và tái sử dụng nước thải. Nhờ giải pháp này, 70% nước thải của xưởng giặt (tương đương 50-60 mét khối) được sử dụng lại mỗi ngày. Tiền xử lý nước đạt chuẩn sử dụng cũng giảm còn một nửa, chỉ còn 11.000 đồng/mét khối.
Anh Trần Thái Sơn, Nhà sáng lập của SDVICO cho biết chuyện chuyển đổi sang nền kinh tế toàn hoàn đang diễn ra và buộc phải diễn ra. Không nên nghĩ kinh tế tuần hoàn quá lớn lao vì chúng bắt đầu từ những hoạt động giảm phát thải nhỏ nhất.
Lấy ví dụ cho việc này, anh Sơn kể, hồi anh du học ở Đức, trong bữa tiệc tổ chức cho 5.000 sinh viên, mỗi người được quyền lựa chọn cấp cho 1 ly nhựa uống bia. Ban tổ chức áp giá cho mỗi ly nhựa là 5 Euro, ngang với giá ly bia, trong khi ở Việt Nam giá ly nhựa chỉ vài đồng. Người mua được cấp 1 đồng coin, sau khi uống xong và trả lại ly nhựa thì sẽ được nhận lại 5 Euro. Việc này giúp họ tiết kiệm nhiều thứ: chi phí mua ly nhựa, chi phí dọn vệ sinh và thu gom rác thải, đảm bảo cảnh quan.
“Đây là minh chứng đơn giản cho kinh tế tuần hoàn. Ở công ty chúng tôi luôn theo tôn chỉ thu cũ đổi mới. Những thiết bị cũ thu lại ở tàu cá lớn được bán cho người trong bờ với mức giá tốt, để đạt mục tiêu tái sử dụng, tái chế cao nhất”, vị này nói.
Bài toán giữa giá trị và giá bán
Nhưng bài toán đau đầu của các sản phẩm, giải pháp xanh vẫn nằm ở giá bán. Nhà sáng lập của UPGreen thừa nhận mức giá sản phẩm nội thất từ nhựa tái chế của công ty đang cao hơn 50-60% sản phẩm hoàn thiện của một công ty gỗ có tiếng trong nước.
Đây cũng là điểm khó khăn khi sản phẩm thâm nhập vào thị trường. Do đó, nguồn thu chính của UPGreen vẫn đến từ hoạt động giáo dục và CSR cho các tập đoàn, thi công cho các sự kiện của các tập đoàn cần nhựa tái chế. Còn những sản phẩm chủ lực chưa có nhiều nguồn thu.
“Khi tôi nói mức giá cao hơn gỗ thì mọi người cũng phải suy nghĩ”, Kim Nguyệt nói, mặc dù qua thử nghiệm, những sản phẩm nội thất tái chế từ nhựa có độ bền dài hơn 3-4 lần, thậm chí 10 lần sản phẩm gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp. “Nhựa có thời gian phân hủy rất lâu nên những sản phẩm nhựa tái chế cũng có thời gian phân hủy tương tự như vậy. Sau khi sử dụng, những sản phẩm này vẫn có thể tiếp tục tái chế. Ngoài ra là các giá trị trong mặt thiết kế, họa tiết của vật liệu”, cô phân tích.
Về phía mình, nhà sáng lập của SDVICO cũng cho biết tạo ra sản phẩm xử lý nước thải nhưng không thể bắt khách hàng trả nhiều tiền hơn vì như vậy vẫn sẽ lãng phí. Một sản phẩm do đó không chỉ đáp ứng tiêu chí tuần hoàn mà còn phải đáp ứng tiêu chí kinh tế.
Giải pháp của công ty này là tạo ra sự gắn kết “vòng tròn”. Cụ thể, công ty phát triển dự án hỗ trợ Đội thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn, với mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/tháng (trong năm 2024). Thay vì xả thải rác ra biển, người dân sẽ có động lực thu gom rác thải và mang về đất liền.
“Người dân rất vui khi mang rác thải về vì có thể nhận voucher của công ty. Và chúng tôi cũng rất vui khi có thêm khách hàng từ họ. Trách nhiệm nhà cung cấp và nhà tiêu dùng cùng phát huy sẽ là sợi dây kết nối tốt nhất”, anh Sơn nói.
Chia sẻ cách tiếp cận thị trường, bà Nguyễn Minh Nguyệt, Nhà sáng lập KisStartup (cộng đồng kết nối cá nhân, tổ chức đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững), nêu ví dụ về nhóm dự án Bước chân xanh. Họ tái chế vỏ hộp sữa tạo thành chậu hoa. Ban đầu, họ cũng rất khó khăn chật vật trong việc vận hành mô hình kinh doanh, giáo dục thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại họ đã không cần nhà đầu tư mà tự mình phát triển mạnh.
“Chất lượng sản phẩm nói lên rất nhiều thứ. Sẽ đến lúc không cần phải thuyết phục khách hàng đây là sản phẩm tái chế nữa mà nó tự được chứng minh bởi sự bền, đẹp qua thực tế sử dụng”, bà Nguyệt nói.