Một nhóm doanh nghiệp không lo thiếu vốn
(DNTO) - Nhờ những nỗ lực giảm phát thải, tăng trưởng xanh đã giúp nhóm doanh nghiệp này dễ dàng được các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước rót vốn.
Những doanh nghiệp rủng rỉnh nguồn tín dụng
Năm 2021, gói tín dụng xanh đầu tiên của ngân hàng HSBC được rót cho một doanh nghiệp Việt, là Công ty Cổ phần nhựa tái chế Duy Tân trong dự án nhà máy tái chế nhựa. Đây cũng là năm đầu tiên công ty Duy Tân triển khai thu gom tái chế. Dự án nhà máy tái chế nhựa không chỉ giúp Duy Tân tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng, mà còn là “tấm vé xanh” giúp hàng hóa doanh nghiệp qua cửa các thị trường khó tính.
“Hàng ngày chúng tôi thu gom 87 nghìn tấn rác thải nhựa, tương đương 12 triệu chai nhựa. Khi chúng tôi làm sản phẩm xanh, chúng tôi xuất khẩu 60% hạt nhựa sang các nước phát triển”, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân, cho biết.
Tương tự ở Tập đoàn PAN, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo của tập đoàn này cho biết EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, yêu cầu nhà sản xuất phải thu gom tái chế sản phẩm của mình) vào định hướng phát triển tập đoàn. Bộ phận Phát triển Bền vững và Đổi mới sáng tạo được lãnh đạo tập đoàn thường xuyên giao nhiệm vụ xây dựng chính sách để đáp ứng quy định EPR. Các công ty thành viên từ sớm cũng có chương trình áp dụng tư duy logic trong thực hành EPR.
“Nhà máy bánh kẹo của chúng tôi có những bao bì hướng dẫn người tiêu dùng cách tái chế bao bì. Công ty xuất khẩu tôm thành lập quỹ tãi chế, đã thu gom 4 nghìn tấn rác thải nhựa trong 2 năm qua. Con số trên vẫn còn rất nhỏ nhưng các hoạt động này đã đi vào tư duy của người nông dân và những người sản xuất. Phát triển bền vững không chỉ là con số mà khi người tiêu dùng có ý thức, chuyển sang hành động thì các hoạt động nó sẽ bền vững”, vị này nói.
Nhờ việc nhanh chóng chuyển đổi xanh mà PAN Group đã nhận được cái gật đầu từ phía ngân hàng Standard Chartered hồi cuối năm 2023. Cụ thể, ngân hàng sẽ hỗ trợ PAN Group trong việc tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên ESG (các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) để đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhiều doanh nghiệp khác như Vingroup, Công ty Lương thực A An, Công ty Cơ điện lạnh REE... cũng sớm nhận được sự hỗ trợ tín dụng từ các tổ chức tài chính nhờ đi theo mục tiêu phát triển bền vững. Về phía các ngân hàng trong và ngoài nước, họ cũng liên tục phát đi thông điệp sẵn sàng dành khoản tín dụng, ưu đãi cho các dự án xanh trong trung hạn.
Chọn cách đi cùng nhau
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số và phát triển bền vững FPT Digital, cho biết trong các giải pháp giảm phát thải, nguồn vốn nói chung (tín dụng, đầu tư trực tiếp, trái phiếu…) là một trong những động lực giúp nền nông nghiệp chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn đang là điểm nghẽn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, khi số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm trên 95%.
Phân tích kĩ hơn về các nguồn vốn trên, vị chuyên gia cho biết, nguồn vốn đầu tư trực tiếp (cổ đông) được xem là nguồn vốn dài hạn, phục vụ mục tiêu phát triển tương lai của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu từ 2019-2022, có sự chuyển dịch lớn trong hoạt động đầu tư của các quỹ lớn nhất thế giới, tổng quy mô các quỹ liên quan đến đầu tư phát triển bền vững lên tới 3.000 tỷ USD, tăng 3 lần trong 3 năm.
Nhóm trái phiếu và tín dụng, theo tính toán của IFC, Việt Nam cần hơn 100 tỷ USD mỗi năm cho hoạt động xanh hóa. Nếu nguồn vốn này chỉ để Chính phủ lo liệu thì rất khó và tạo áp lực cho hoạt động chính sách. Vì vậy phát triển trái phiếu xanh tạo ra nguồn lực mới cho Chính phủ giải quyết bài toán này.
Một nguồn lực khác là trái phiếu xanh doanh nghiệp. Tuy nhiên các quy định hiện tại đang phát sinh cục bộ tại doanh nghiệp, là rào cản khi huy động trái phiếu xanh từ nhà đầu tư.
Về tín dụng xanh ngân hàng, hoạt động tín dụng xanh ở Việt Nam đạt mức 30 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 25%. Tuy nhiên, việc huy động này chưa đủ để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xanh của Việt Nam. Vì hiện tại dư nợ tín dụng cho hoạt động này mới ở mức 4%.
“Chúng ta mới đang bắt đầu chính sách cho hoạt động tăng trưởng xanh, vẫn còn thiếu và cần hoàn thiện hơn về việc định nghĩa thế nào là danh mục xanh, các tiêu chí nào để thẩm định dự án xanh được cấp phép… Đây là bài toán đặt ra cho nhà chính sách”, ông Tuấn Anh cho biết.
Ở góc độ ngân hàng, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cho biết việc giải ngân cho các dự án xanh cũng phải có cách tiếp cận khác. Với HSBC, ngân hàng sẽ đi cùng khách hàng từ sớm để hỗ trợ họ xây dựng chính sách và các khung phát triển bền vững. Từ khung tài chính đó, khách hàng có thể dùng để thu xếp các khoản vay trong và ngoài nước.
“Trường hợp HSBC với Vingroup, ngay từ đầu chúng tôi đã kết hợp và làm việc với bên tư vấn thứ ba hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng khung tài chính, sau đó phát hành khoản trái phiếu chuyển đổi 425 triệu cho Vinpearl và khoản vay hợp vốn xanh 500 triệu. Với những khách hàng bất động sản muốn xây dựng tòa nhà xanh, tiêu chuẩn LEED hay Platium thì chúng tôi cũng đã đồng hành ngay từ khi xây dựng dự án, như trường hợp REE đầu tư toà nhà E.Town 6”, bà Nga cho biết.
Tuy vậy, yếu tố quan trọng nhất theo ông Tuấn Anh vẫ đến từ nội tại doanh nghiệp. Theo ông này, rất nhiều nguồn tín dụng xanh mong muốn đầu tư vào doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chưa cung cấp đủ dữ liệu hiện tại và kế hoạch trong tương lai để đạt được tiêu chí đánh giá của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng để họ đảm bảo việc cho vay đúng và hiệu quả. Vì vậy, đây là yếu tố mà doanh nghiệp cần cải thiện để tiếp cận nguồn vốn dồi dào cả trong nước và quốc tế.