Đơn hàng xuất khẩu được lấp đầy nhưng nỗi lo vẫn chưa 'mỏng'
(DNTO) - Sản lượng ngành sản xuất tăng trưởng trở lại trong tháng 8, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng còn yếu, chưa kể biên lợi nhuận gộp còn mỏng do chi phí nhân công tăng. Cần hỗ trợ tài chính và ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và mở rộng hoạt động xuất khẩu.
Tăng trưởng đơn hàng và sản xuất mạnh mẽ
Theo báo cáo mới nhất về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của S&P Global, ngày 4/9, ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,4 điểm trong tháng 8/2024. Điểm số này cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của điều kiện kinh doanh, với sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng cao. Nhu cầu từ khách hàng, bao gồm cả quốc tế, đã kéo theo sự gia tăng trong sản xuất, giúp duy trì đà tăng trưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Sự ổn định của giá cả nguyên liệu và chi phí vận chuyển trong tháng 8 cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy số lượng đơn đặt hàng mới. Dù chi phí đầu vào và giá bán hàng vẫn tăng, mức tăng đã chậm lại so với các tháng trước đó. Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, mặc dù sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn so với mức kỷ lục của tháng 6 và 7, tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức đáng kể. Ông nhận định: “Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có nửa năm cuối tăng trưởng tốt, và nhiều việc cần giải quyết trong những tháng tới".
Xuất khẩu – một trong những động lực chính của nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ sau thời gian ảm đạm. Nếu như năm 2023, hầu hết doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém sắc khi thiếu đơn hàng trầm trọng thì tín hiệu khả quan xuất hiện rõ nét hơn từ quý II năm nay.
Nhiều doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày đang ghi nhận kết quả tích cực. Cập nhật mới đây từ Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, tính tới hết tháng 8, xuất khẩu toàn ngành dệt may đã đạt 28,6 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là hầu hết doanh nghiệp đã kín đơn hàng hết quý 3, quý 4 năm nay. Các doanh nghiệp đang tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu quý 1/2025.
Tại thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, tồn kho quần áo nửa đầu năm nay đạt 2.172 tỷ USD, giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ và duy trì mức thấp hơn so với nửa đầu 2022, 2023. Trong khi, doanh số bán lẻ mặt hàng này tăng 1,2% cùng giai đoạn, nối tiếp xu hướng phục hồi từ tháng 10 năm ngoái. 7 tháng qua, Mỹ chi 8,93 tỷ USD nhập quần áo "made in Vietnam", tăng 5,5%.
Các chuyên gia nhận định nhiều điểm sáng đã xuất hiện trong bức tranh kinh tế Việt Nam, chúng ta có nhiều điểm lợi có thể tận dụng để thúc đẩy xuất nhập khẩu những tháng cuối năm. Đơn cử, chính sách lãi suất thấp của EU có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày và nông sản.
Hay việc giảm 36 khoản phí, lệ phí với mức giảm từ 10-50% áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 có thể giúp doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng với mức giảm 2% sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; người dân giảm chi phí tiêu dùng.
Vẫn còn nhiều lo ngại
Dù tín hiệu chung phục hồi nhưng "sức khỏe" của các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất không đồng đều. Đơn cử, trong hơn 30 doanh nghiệp dệt may niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý II, chỉ hơn một nửa là tăng lãi hoặc có lãi trở lại, còn lại giảm lãi hoặc tiếp tục lỗ. Ví dụ, Sợi Thế Kỷ báo lỗ kỷ lục 55,5 tỷ đồng, hay Dệt may Hà Nội, Dệt may Nam Định lỗ lần lượt 47 tỷ và 19 tỷ đồng...
Chưa kể, đơn hàng quay lại nhưng biên lợi nhuận gộp cũng khó cải thiện do chi phí nhân công tăng khi lương tối thiểu vừa tăng 6% kể từ tháng 7/2024. Chi phí nhân công thường chiếm 30-50% tổng chi phí sản xuất trong ngành này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm khi mà đơn giá chưa phục hồi nhiều, do thế giới đang có nhiều biến động.
“Có 27,4% doanh nghiệp gặp khó khăn vì giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 21,2% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh, 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao”, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhận định.
Thêm vào đó, việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trước thực tế trên, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, mới đây, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương kiến nghị ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ tài chính và ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và mở rộng hoạt động xuất khẩu.
Cụ thể, để giải quyết vấn đề thiếu vốn cấp bách, chính phủ cần xem xét các cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả hơn. Mặc dù có các chính sách hiện hành như trợ cấp lãi suất theo Nghị quyết số 43, song việc giải ngân vẫn còn rất ít, đề xuất nên hỗ trợ nên tập trung vào việc cung cấp giải pháp dòng tiền tức thời thay vì chỉ trợ cấp lãi suất.