Cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn phục hồi, triển vọng tươi sáng hơn khi giá cước điều chỉnh giảm
(DNTO) - Tính từ đầu năm đến 15/7, cán cân thương mại Việt Nam xuất siêu 11,88 tỷ USD nhờ cầu tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn đang trên đà phục hồi. Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực bứt tốc trong những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp nỗ lực bứt tốc
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD, tăng 56,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023. Nửa đầu tháng 7, cả nước nhập siêu nhẹ, nhưng tính chung từ đầu năm đến 15/7, nước ta vẫn xuất siêu 11,88 tỷ USD.
Đóng góp vào thành tích trên phải kể đến lực kéo từ "bệ đỡ" xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây.
Giá trị xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, cũng đang tăng. Trong đó, Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Với kết quả này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm.
Các chuyên gia nhận định, cầu tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn đang trên đà phục hồi sau khi bị sụt giảm mạnh trong năm ngoái đang tạo động lực cho sản xuất và xuất nhập khẩu. Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm 2024 dự báo vẫn đang có đà tăng tốc.
Theo chu kỳ, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong những dịp cuối năm; Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Mỹ và có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Việc triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại đem lại nhiều kết quả tích cực đối với một số mặt hàng, giá nhóm hàng lương thực có thể tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15-20%. “Nếu tận dụng tốt cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD năm nay, tăng 0,5-1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp”.
Ở lĩnh vực thuỷ sản, tổng khối lượng xuất khẩu sản phẩm đã tăng lên 39% so với cùng kỳ năm trước đạt 81.276 tấn. Trung Quốc và Hồng Kông là 2 thị trường cá tra lớn nhất với mức tăng 20% về khối lượng nhập khẩu. Đánh giá về triển vọng xuất khẩu cá tra trong thời gian tới, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng từ 5-10% trong nửa cuối năm nay với động lực chủ yếu đến từ thị trường Mỹ.
Cùng với đó, nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ bắt đầu tăng từ tháng 5/2024, các doanh nghiệp trong ngành đang kỳ vọng quyết định của Mỹ về công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam và kết quả cuộc điều tra chống trợ cấp ngành tôm của Bộ Thương mại Mỹ với tôm Việt Nam sẽ có kết quả tốt. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt về lượng và giá từ quý 3/2024.
Triển vọng tươi sáng hơn khi giá cước điều chỉnh giảm
Xuất khẩu tăng ấn tượng nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là chi phí logistics tăng cao khiến ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng lo ngại tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và vấn đề giữ chữ tín trong kinh doanh.
Theo VCCI, giá cước vận tải đã tăng hơn 100% so với cuối năm 2023. Thực tế này đã ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp tập trung thị trường châu Âu, châu Mỹ. Theo phản ánh của doanh nghiệp, cước vận tải biển đi một số các thị trường xa như Mỹ, EU tăng lên 7.000 - 8.000 USD/container, trong khi tháng trước đó, cước phí này chỉ bằng một nửa. Đơn cử, giá cước tàu nhiều chuyến quốc tế trong tháng 6 đã tăng 100% so với 3 tháng trước đó. Trong đó giá cước tàu đi Mỹ tăng hơn gấp đôi. Container 40 feet tháng 3 là 2.950 USD nhưng nay tăng lên tới 7.350 USD.
Ông Phan Đình Quân, giám đốc Công ty TNHH tiếp vận EZ Shipping (Hà Nội), cho hay nhiều doanh nghiệp trong ngành vận chuyện xuất khẩu nông sản đang bị "say sóng" vì các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.
"Mới một tháng qua, hàng trái cây công ty xuất đi Mỹ cước phí đã tăng 60-70% rồi. Hàng đông lạnh đi châu Âu còn tăng mạnh hơn", ông Quân lo ngại.
Chi phí vận chuyển hiện chiếm trên 15% giá thành sản phẩm, nhưng hiện tại tất cả các giao dịch thương mại đang bị thị trường Trung Quốc chi phối. Hơn 1 tháng nay và dự báo sẽ kéo dài cho tới khi Mỹ kết thúc việc áp luật thuế mới, toàn bộ container rỗng đang bị chuyển về Trung Quốc do họ trả chi phí cao hơn các nước khác. Sắp tới dự đoán ở Việt Nam sẽ cực kỳ thiếu container rỗng.
"Hiện tại, việc đặt chỗ trên tàu rất khó vì thường xuyên bị hoãn và cước tăng cao, giải pháp tình thế là các doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển hướng sang đi máy bay, hoặc có thể sẽ phải tạm ngưng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng, hoặc xin giãn thời gian giao hàng", ông Quân cho hay.