Lạng Sơn khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu
(DNTO) - Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho hay, hiện, mỗi ngày có trên 400 xe hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Khuyến cáo doanh nghiệp, thương lái bắt buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp trong quá trình làm thủ tục. Bởi lẽ, thời gian tới cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam không còn mang tính "cặp chợ".
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, lưu lượng khách xuất nhập cảnh và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu khá ổn định, mỗi ngày có khoảng 400 xe được làm thủ tục thông quan, trong đó mặt hàng chủ lực của Việt Nam vẫn là các loại hoa quả tươi như sầu riêng, thanh long, mít, dưa hấu đến từ các doanh nghiệp có đăng ký trước từ các tỉnh miền Trung, miền Nam.
"Cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam sắp được công bố chính thức là các cửa khẩu đường chuyên dụng, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) và Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Chúng tôi dự đoán sắp tới lưu lượng hàng hóa sẽ được nâng lên, bởi phương tiện hai nước có thể qua lại lãnh thổ lẫn nhau", Trung tá Trịnh Quang Hưng, Đồn trưởng đồn biên phòng Tân Thanh cho hay.
Tuy nhiên, đồng nghĩa với lưu lượng hàng hóa được tăng định mức là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ tăng. Doanh nghiệp, thương lái bắt buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp trong quá trình làm thủ tục. Bởi lẽ, thời gian tới Tân Thanh và Cốc Nam không còn mang tính "cặp chợ".
Về các lưu ý với lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, ông Hưng cho biết yếu tố tiên quyết là trung thực, chuẩn chỉnh về nguồn gốc, chất lượng, đóng gói.
Thứ hai là chuyên nghiệp trong khai báo hải quan, cần tuyệt đối chính xác để không phát sinh vấn đề xe bị tạm dừng, thậm chí tạm giữ. Đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh khẳng định "nhanh chậm do doanh nghiệp". Lực lượng chức năng ở cửa khẩu, bao gồm lực lượng biên phòng, luôn tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Lưu ý thứ ba là nên có hợp đồng mua bán từ trước giữa hai bên, tránh tình trạng "tham vặt", mang nông sản qua biên giới rồi bán sỉ ngoài chợ, trông chờ vào may mắn. "Một số thương lái vẫn theo kiểu có người quen bên Trung Quốc, nhờ mối quen đó nhận hàng, bán hộ. Nhiều khi được không đủ bù mất", ông Hưng nói.
Lưu ý cuối cùng là về chữ tín, ông Hưng cho biết có hiện tượng một số doanh nghiệp ở Việt Nam nhận đủ tiền cọc từ bạn hàng Trung Quốc, sau đó lại đưa hàng kém chất lượng sang. Khi đó, phía Trung Quốc có thể tạm giữ phương tiện, hoặc hàng hóa, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
Ngoài ra, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cũng chủ động thông báo cho các sở ngành, địa phương có hoa quả xuất khẩu tại để điều tiết xe xuất khẩu phù hợp, tránh dồn lại một thời điểm, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí.