Chuyên gia: 'Xuất khẩu tăng không chỉ nhờ FDI'
(DNTO) - Dù khối FDI áp đảo về kim ngạch khi chiếm tới 73%, nhưng quý 3 năm nay, doanh nghiệp nội lại đang giành lợi thế cao hơn nhờ khai mở thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của khối nội vẫn là nhập siêu nên tín hiệu tăng trưởng này trong cơ cấu xuất khẩu chưa đủ để đánh giá bền vững và còn phải nỗ lực nhiều.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, bình quân một tháng trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,29 tỷ USD, cao hơn 1,52 tỷ USD so với bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm 2024. Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong quý IV/2024 thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước lập mốc lịch sử khoảng 400 tỷ USD, vượt mốc 371,82 tỷ USD của năm 2022.
"Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nếu các doanh nghiệp có sự nỗ lực cố gắng từ nay đến cuối năm, thì trong cả năm 2024 khả năng Việt Nam sẽ chạm mốc 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022", vị chuyên gia đánh giá.
Nêu quan điểm tại Toạ đàm trực tuyến Data Talk tháng 10: Phục hồi kinh tế & Xu hướng dòng vốn đảo nghịch, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nhìn nhận, mặc dù bối cảnh vĩ mô khó khăn nhưng sức mua từ Trung Quốc, Mỹ đều tăng trưởng giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh tới trên 15%. Xuất khẩu tăng kéo theo các ngành có liên quan đều hưởng lợi.
Tuy nhiên ông cho rằng quan điểm về việc xuất khẩu tăng chỉ nhờ doanh nghiệp FDI là không chính xác: “Có một quan điểm rằng, xuất khẩu tăng đều do các doanh nghiệp FDI và họ hưởng lợi. Đúng là tỷ trọng xuất khẩu có tới 73% thuộc về doanh nghiệp FDI nhưng với năm nay, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI thấp hơn tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong nước”, ông Thành chỉ ra.
Vị chuyên gia lý giải, nguyên nhân là doanh nghiệp FDI đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu hiện là Samsung nhưng trong các tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Samsung chỉ khoảng 9% nên thực chất không phải tăng trưởng sản xuất năm nay đều nhờ vào FDI mà cả nhóm doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu năm nay đều tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng GDP. Một ngành nữa cũng được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt là logistics và vận tải cũng đạt mức tăng trưởng 11%.
Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng cao chủ yếu nhờ lực kéo từ hoạt động trong các ngành xuất khẩu chủ lực như nông sản, dệt may, da giày… Những ngành hàng này đều có sự tăng trưởng cao trong quý 3. Đơn cử, nông sản tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: cà phê tăng 30,9%; gạo tăng 25,1%; chè các loại tăng 34,8%; rau quả tăng 24,3%; nhân điều tăng 22,1%; hạt tiêu tăng 46,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 12,5%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%...
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), hoạt động xuất khẩu tăng mạnh khi hầu hết các doanh nghiệp hội viên có đơn hàng đến cuối năm, cá biệt một số đơn vị nhận đến hết quí 1/2025. Xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm đến hơn 180 thị trường, kim ngạch nửa đầu năm đạt 2,8 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng loạt doanh nghiệp nội địa thuộc nhiều ngành nghề khác cũng cho biết đơn hàng đang có chiều hướng tăng cao, thậm chí có những doanh nghiệp lớn còn thuê lại các doanh nghiệp nhỏ gia công để kịp đơn hàng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực FDI chỉ tăng 13,8% (đạt 163,9 tỉ đô) thì khu vực kinh tế trong nước tăng đến 21,1% (đạt 63,08 tỉ đô). Như vậy, phá vỡ tiền lệ nhiều năm qua, doanh nghiệp nội đang dần lấy lại vị thế chủ "sân nhà", lấn át khối doanh nghiệp FDI trên "đường đua" xuất khẩu bằng mức tăng trưởng khá ấn tượng.
"Điều này đã thể hiện sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp nội trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đội ngũ doanh nghiệp trong nước đã lớn mạnh cả về lượng và chất, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế. Đồng thời cũng thể hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngày càng phát huy hiệu quả", ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, nhận định.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp trong nước thời gian qua vẫn chưa bền vững. Các doanh nghiệp có cải thiện về xuất khẩu nhưng quá chậm, chưa ổn định. Điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp nội vẫn là nhập siêu từ đó cho thấy xu thế cải thiện của doanh nghiệp nội trong cơ cấu xuất khẩu chưa đủ để đánh giá bền vững nên còn phải nỗ lực nhiều. Đơn cử, 7 tháng 2024, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỉ đô la; khu vực FDI xuất siêu 29 tỉ đô la.
Đáng chú ý, con số "khiêm tốn" về tỉ trọng xuất khẩu chiếm chưa đến 30% của khối doanh nghiệp nội cũng là một rào cản. Đây cũng là vấn đề mà Đại biểu Quốc hội chất vấn với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhằm có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháng 6 vừa qua, đòi hỏi cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, chính sách phải phù hợp trong khuôn khổ các cam kết quốc tế. Thời gian tới phải khuyến khích các doanh nghiệp nội mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao nhằm củng cố nền tảng công nghiệp trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc thu hút vốn FDI cần đưa ra những ưu đãi, đổi lại yêu cầu rõ ràng phải có tác động, lan toả đến doanh nghiệp trong nước về tham gia vào chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ... chỉ có vậy, giá trị và tỷ trong kim ngạch xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam mới nâng cao bền vững.