Vốn FDI dồn dập vào Việt Nam: Cần cân nhắc lựa chọn
(DNTO) - Dòng vốn FDI tăng trưởng trở lại tác động tích cực vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhưng theo chuyên gia, vốn FDI là công cụ phát triển kinh tế nhưng không nhất thiết là công cụ bắt buộc. Việt Nam có quyền lựa chọn đâu là dòng vốn FDI phù hợp và từ chối FDI không phù hợp.
Không nhất thiết phải theo đuổi con số FDI lớn
Nửa đầu năm nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu ấn tượng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả vốn đầu tư mới cũng như điều chỉnh vốn đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt là 46,9% và 35%. Vốn thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ này cũng cho biết, với những con số thu hút FDI trong nửa đầu năm, hoàn toàn có thể kỳ vọng nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục từ 35-40 tỷ USD trong cả năm nay.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam (công ty tư vấn về quản lý kinh tế), cho biết thành tựu thu hút FDI trong nửa đầu năm là những con số ấn tượng và nếu thu hút được nguồn vốn lớn như vậy sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, hiện 72% xuất khẩu của ta phụ thuộc vào khu vực FDI. Thực tế tại một số tỉnh thành có vốn FDI lớn, trong thời gian vừa qua, khi thị trường thế giới suy giảm, dòng vốn FDI bị sụt giảm, ngay lập tức, GRDP của các tỉnh thành đó tăng trưởng âm. Đó là những con số thực sự suy nghĩ.
Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, khi đặt FDI trong tổng thể phát triển quốc gia, đối với Việt Nam, nó phục vụ cho mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu.
Nếu nhìn vào kinh nghiệm các nước trong khu vực, “4 con hổ châu Á” (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore) cũng đi theo con đường tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Tuy nhiên có 2 nước là Hàn Quốc, Đài Loan không quá phụ thuộc vào FDI, còn 2 nước thành công trong tận dụng FDI là Hồng Kông và Singpore.
Như vậy, theo ông Hùng bước đầu tiên hình dung vốn đầu tư nước ngoài là công cụ, nhưng không nhất thiết là công cụ bắt buộc. Nếu định vị được như vậy, Việt Nam có quyền lựa chọn đâu là dòng vốn FDI phù hợp và từ chối FDI không phù hợp. “Không nhất thiết phải theo đuổi con số FDI vì nó không hẳn là mục tiêu cuối cùng, nó chỉ là công cụ”, ông nói.
Lựa và chọn
Chuyên gia tại ADB cho biết, xu hướng FDI gần đây chủ yếu do các tập đoàn đa quốc gia điều phối. Những ngành mà trước đây được coi là giá trị thấp như mô hình dệt may, các nước châu Á dùng “mô hình đàn sếu bay”, tức một vài năm phát triển tốt sẽ chuyển dịch sang nước khác. Dòng FDI theo những ngành như vậy họ sẽ chạy theo lợi ích của địa phương hoặc của các nước vì chi phí chuyển dịch rất thấp.
Nhưng xu hướng mới hiện nay, kể cả lắp ráp điện tử cũng được coi là các ngành giá trị thấp. Tức họ có thể đóng gói toàn bộ dây chuyền vào container chuyển sang nước khác trong thời gian tương đối ngắn. Như vậy, họ chỉ tận dụng lợi thế về đất đai, nhà xưởng, điện, lao động và cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, cảng biển…). Nếu nước nào bớt thuận lợi hơn hoặc ít trợ cấp hơn họ sẽ chuyển sang nước khác.
Kinh nghiệm của năm 2023 cho thấy, khi thị trường thế giới khó khăn, nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam giảm nhưng thặng dư thương mại vẫn tăng. Theo ông Hùng, mức tăng thặng dư thương mại tăng đó không phải do giá trị giá tăng của hàng hóa tốt lên, mà do nhập khẩu ít đi. Như vậy đây là dòng vốn FDI “chạy qua lãnh thổ Việt Nam”, còn phần kết nối trong nước rất thấp.
Vì vậy, theo vị này, cần tạo môi trường giúp doanh nghiệp nội địa phát triển để họ có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, xuất nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
“Họ đang ở trong nhà mình mà không bán được thì rất khó để bán ra thị trường thế giới. Vì vậy cần nâng cao sức mạnh doanh nghiệp trong nước và tăng cường kết nối với doanh nghiệp FDI. Nếu lượng FDI vào nhiều quá, trong khi đất đai, con người của ta có hạn, thì doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh nguồn lực, cạnh tranh lấy đất, tuyển người. Vô hình chung sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong nước nếu không nhận được lợi ích xa hơn là chuyển giao công nghệ hay tiếp cận với thị trường quốc tế”, ông Hùng nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Quang Vinh, Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho biết trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược của các nền kinh tế lớn, sự chuyển dịch các luồng đầu tư đan xen với sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu. Vì vậy phải tranh thủ cùng lúc các làn sóng chuyển dịch này.
Nhưng chúng ta cũng phải đề phòng luồng chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư. Chuyển dịch có cả chuyển dịch chất lượng cao và chuyển dịch thông thường. Các luồng đầu tư thông thường sẽ tìm đến các địa điểm thuộc phân khúc thấp hơn như Việt Nam.
Do vậy có rất nhiều sản phẩm buộc các nhà sản xuất phải chuyển dịch sang địa điểm khác và có thể chuyển sang Việt Nam. Nhưng việc sản xuất quá mức (sản xuất dư thừa - overproduction) làm ảnh hưởng tới thị trường của các nước khác. Đó là lý do gần đây Indonesia cũng phải gia tăng đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc vì sợ hàng nước này tràn lan tại thị trường của họ và ảnh hưởng tới doanh nghiệp nội địa. Đây là điều Việt Nam cần lưu ý khi lựa chọn vốn FDI.
“Việt Nam có thể tranh thủ hưởng lợi từ cả 2 phía mà đang cạnh tranh chiến lược với nhau, tuy nhiên nên lựa chọn cái nào từ những bên nào thuận lợi nhất cho mình, phù hợp với mục tiêu phát triển của ta”, ông Vinh khuyến nghị.