Kỷ lục hút vốn FDI trong 5 năm: Khi Việt Nam trở thành lựa chọn đầu tư hiệu quả, an toàn
(DNTO) - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đều muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì Việt Nam đang chứng minh mình có đủ điều kiện thuận lợi đón dòng đầu tư của các công ty muốn theo đuổi chiến lược “Trung Quốc +1”.
Con số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 4 tháng đầu năm nay đã chứng minh nơi đây tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Với 6,28 tỷ USD được thực hiện, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, đã lập kỷ lục vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết việc Chính phủ Việt Nam tăng tốc phân bổ 664.484 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay, cùng số vốn giải ngân trong năm ngoái, sẽ thúc đẩy tăng kinh tế đáng kể nhờ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy dòng đầu tư tư nhân.
“Cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, vì vậy Chính phủ Việt Nam đã chủ động tháo gỡ khó khăn từ chính sách với một loạt các nghị quyết và chỉ thị nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi”, đại diện ADB nhấn mạnh.
Chia sẻ về lý do các nhà đầu tư Đức quyết định rót vốn vào Việt Nam, bà Đào Thu Trang, Thành viên Hội đồng quản lý và Phó Tổng Giám đốc của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cho biết Đức đang muốn mở rộng chuỗi cung ứng, họ muốn tạo ra thị trường mới, đa dạng chuỗi cung ứng và nguyên liệu thô để giảm phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Đó là lý do các công ty thời trang bây giờ họ muốn nhắm đến khu vực này, họ hướng tới các quốc gia châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan để hiểu hơn về thị trường và đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích của các công ty muốn theo đuổi chiến lược “Trung Quốc + 1”.
Theo bà Trang, Việt Nam hiện đang có các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với hơn 50 quốc gia trên thế giới, mở ra một không gian thương mại rộng lớn với việc giảm các rào cản phi thuế quan. Việt Nam nằm gần Trung Quốc, có một vị trí chiến lược so với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng có lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng và cạnh tranh.
Đặc biệt, khi thế giới nói nhiều về các bất ổn trong vấn đề địa – chính trị, các nhà đầu tư Đức cũng như các nhà đầu tư khác không thể “đặt tất cả trứng vào một rổ”, họ muốn đa dạng hóa và họ nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam.
“Họ nói rất nhiều về chính sách ngoại giao cây tre. Điều này rất tích cực không chỉ với các nhà đầu tư Đức mà còn cả các nhà đầu tư quốc tế khác khi quyết định đến Việt Nam. Họ thấy được nền chính trị ổn định, yếu tố này rất quan trọng.
Nhận thức của người Việt đối với người Đức và các nhà đầu tư châu Âu khá khác biệt so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Với một số quốc gia trong khu vực, họ thực sự không thích cách tiếp cận của Liên minh châu Âu và doanh nghiệp Đức. Nhưng với Việt Nam, chúng ta có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Chúng tôi đánh giá cao điều đó. Chúng ta có mối quan hệ hữu nghị lâu bền giữa Việt Nam và Đức”, bà Trang nói.
Tiến sĩ Santiago Velasquez, Phó chủ nhiệm chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cũng nhận định Việt Nam đang ở thế thuận lợi vì ASEAN thực sự đang thực hiện một số sáng kiến chẳng hạn như khuôn khổ DEFA - Hiệp định khung về kinh tế số, tập trung vào việc tăng gấp 3 lần nền kinh tế kỹ thuật số, lên 1 nghìn tỷ USD và sau đó mở khóa lên 2 nghìn tỷ USD. Đây là cơ hội tiềm năng mà tất cả các nhà đầu tư quốc tế đều nhìn thấy và mong muốn có thể khai thác nó.
“Những gì họ muốn làm là đảm bảo rằng các thành viên, bao gồm cả Việt Nam áp dụng AI, nâng cao kiến thức kỹ thuật số và quan tâm đến an ninh mạng. Tất cả những điều này thực sự quan trọng với đất nước và là yếu tố hấp dẫn với các nhà đầu tư trong việc hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại. Ví dụ bạn có thể đánh giá các hoạt động kinh doanh cụ thể của các cả các loại hình kinh doanh. Mọi thứ đã được số hóa, từ lĩnh vực ngân hàng đến lâm nghiệp. Họ đã tạo ra những bản sao kỹ thuật số của dây chuyền sản xuất và đồn điền rừng. Và nếu họ có thể số hóa một khu rừng, họ có thể số hóa mọi thứ”, ông Santiago Velasquez cho biết.
Tuy nhiên, đại diện của 500 nhà đầu tư Đức đang hoạt động tại Việt Nam cho biết họ cũng lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia khác nữa. Đặc biệt khi nói về các chính sách kinh tế, khung pháp lý cho thương mại, họ mong muốn được tinh giản quy trình thủ tục hành chính, thời gian phê duyệt và họ được tiếp cận với những lao động có kỹ năng cho từng lĩnh vực đặc thù.
"Đây là yếu tố Việt Nam cần cải thiện, các địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh để đảm bảo việc hợp tác với các nhà đầu tư Đức và quốc tế", bà Trang nhấn mạnh.