‘Đại bàng’ dừng chân tại Việt Nam với các nhà máy xanh
(DNTO) - Các dự án nhà máy xanh của Pandora, SK, Lego... tại Việt Nam vừa qua cho thấy dòng vốn FDI dịch chuyển sang lĩnh vực phát triển bền vững và Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi đón sự dịch chuyển này.
Chỉ riêng trong tháng qua, đã có 2 khoản đầu tư nổi bật liên quan đến phát triển bền vững vào Việt Nam. Đầu tiên là khoản đầu tư 150 triệu USD của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) vào một nhà máy chế tác nữ trang ở Bình Dương, dự kiến hoạt động 100% bằng năng lượng tái tạo.
Khoản đầu tư thứ 2 đến từ Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với một nhà máy vật liệu phân hủy sinh học tại Hải Phòng. Mức đầu tư của SK cho dự án này có thể lên tới 500 triệu USD cho đến cuối thập kỷ này.
Trước đó, Lego cũng chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này, phát triển theo hướng xanh, bền vững. Dự kiến nhà máy Lego sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay.
Trong bối cảnh yêu cầu phát triển bền vững đang trở thành bắt buộc, các nước phát triển tung ra các luật mới ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất, nhà phân phối với sản phẩm của mình, đã thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất hiện nay buộc phải thay đổi công nghệ, quản trị, vận hành để đảm bảo các sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh.
Đó là lý do năm 2023 vốn FDI đổ vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng tới 37% so với năm 2022, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. Tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh, chiếm khoảng 2% GDP với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 10-13%.
Việc Việt Nam đón dòng vốn FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh cũng cho thấy chính sách phát triển bền vững của Việt Nam đang phát huy hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thời gian qua, có 3 văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến chuyển đổi xanh đã được đưa ra.
Đầu tiên là Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia vạch ra lộ trình tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh. Nó đóng vai trò như một kế hoạch chi tiết, toàn diện để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và tăng cường tính bền vững của môi trường.
Tiếp theo là Chiến lược chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, là kế hoạch toàn diện nhấn mạnh các biện pháp bảo vệ vùng ven biển, quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, do Việt Nam có nhiều khu vực ven biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Chiến lược này giải quyết các vấn đề quan trọng như xói mòn bờ biển, mực nước biển dâng và sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Luật bảo vệ môi trường mới tăng cường các quy định về đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm và bồi thường đa dạng sinh học. Nó nhằm mục đích tăng cường các cơ chế pháp lý để đảm bảo rằng phát triển kinh tế không đi kèm với suy thoái môi trường.
“Những văn bản pháp lý trên cho thấy Việt Nam đang rất nỗ lực để thực hiện cam kết giảm phát thải, hướng tới phát triển bền vững”, ông Sử nói.
Chia sẻ lý do về việc các nhà đầu tư Đức mong muốn rót vốn vào Việt Nam, bà Đào Thu Trang, Thành viên Hội đồng quản lý và Phó Tổng Giám đốc của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Vietnam), cho biết Việt Nam đã ký kết với hơn 50 quốc gia trên thế giới. FTA không chỉ là về việc loại bỏ thuế quan, giảm các rào cản phi thuế quan mà còn là sự cam kết về vấn đề môi trường, về luật lao động và cũng như để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
“Và hơn cả chúng ta cũng có những chính sách thương mại mang tính cạnh tranh cao như việc đầu tư, luật môi trường và không có những yêu cầu về hàm lượng nội địa (LCR) nào cả. Chúng ta cũng thấy cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Việt Nam và Chính phủ rằng chúng ta đảm bảo đồng hành và đánh giá cao các chủ đề về phát triển bền vững. Đó là điều mà các nhà đầu tư Đức khá quan tâm và đánh giá cao”, bà Trang nói.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, ông Chiew Chun Wee, Giám đốc chính sách, Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội Kế toán Công chứng (ACCA) cũng cho biết gần đây, một số nhà đầu tư đã đề cập đến Việt Nam vì đã thực hiện cơ chế giá ưu đãi trong phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua. Đây là mức giá hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư, nhà phát triển năng lượng tái tạo trong và ngoài nước. Nhờ vậy, công suất năng lượng tái tạo đã tăng rất nhanh chỉ trong vòng 5 năm. Đó là câu chuyện thành công lớn.
Nhưng để đảm bảo hiệu quả chi phí và tính bền vững lâu dài của ngành, theo vị này, Việt Nam cần tiếp tục có những thay đổi về chính sách. Bởi đối với bất kì chính phủ nào, chính sách nào, điều mà các nhà đầu tư tìm kiếm là lợi nhuận và hơn nữa là sự ổn định, khả năng dự đoán, sự rõ ràng và minh bạch trong chính sách và trong khung khổ pháp lý.
“Vì vậy, vấn đề thực sự là chính sách phải có sự rõ ràng để nâng cao niềm tin và sự tự tin của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Chiew Chun Wee.
Xuất phát từ góc độ tài chính kế toán, vị này khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để có ngôn ngữ chung với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Việt Nam đang nỗ lực và đang tiến rất nhanh đến việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, vị này đánh giá đây là một điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, xu hướng mới mà các bên đều quan tâm là báo cáo bền vững. Từ báo cáo này, họ sẽ biết được các công ty, khu vực công đang làm thế nào để thực hiện các cam kết Net-zero.