Đại diện phái đoàn EU: Doanh nghiệp đừng phí thời gian khi chờ quy định xanh hóa
(DNTO) - Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết có những quy định phát triển bền vững đang được khối này kéo dài thời gian để các nước đối tác, doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt nhất. Doanh nghiệp nên tận dụng thời gian này một cách triệt để.
Lộ trình đã rõ ràng
Chia sẻ tại Diễn đàn “Hợp tác Việt Nam – EU 2024” mới đây, ông Ulrich Weigl, Trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến Quy định chống phá rừng (EUDR).
Đạo luật này cấm nhập khẩu vào châu Âu các sản phẩm như ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, gỗ, thịt bò, cao su và giấy... nếu có nguồn gốc từ đất rừng bị phá hoặc suy thoái. Ban đầu luật dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/12/2024. Tuy nhiên, hiện EU đã kéo dài thời gian có hiệu lực sang cuối 2025.
“Chúng tôi đã có điều chỉnh từ kiến nghị của các nước, các nhà xuất khẩu sang EU. Điều đó chứng tỏ Liên minh châu Âu rất lắng nghe và cân nhắc phản hồi từ các nơi, từ các đối tác của chúng tôi”, ông Ulrich Weigl nói.
Bên cạnh EUDR, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu thực thi và sẽ được đưa vào khung pháp lý các nước. Vị này cho biết đã ghi nhận sự cải thiện ở phía doanh nghiệp trong việc thẩm định chỉ số phát triển bền vững. Bởi EU dành lộ trình 2 năm cho các nước thành viên để doanh nghiệp chuyển đổi và thực hiện thẩm định.
Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết đang ở thử nghiệm chính sách để rút kinh nghiệm vì trong quá trình áp dụng đôi khi phải làm rõ hoặc cải thiện thêm một số vấn đề.
“Khi chúng tôi đưa ra những tiêu chuẩn, đòi hỏi như vậy thì chúng tôi cũng nỗ lực hỗ trợ các nước đối tác về mặt xây dựng chính sách và trao đổi kinh nghiệm năng lực, thực thi”, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói và nhấn mạnh thêm: “Thời gian chúng tôi cho các doanh nghiệp thích ứng không thể nào để phí phạm được”.
Chạy đua với thời gian
Thực tế, với những lĩnh vực bị điều chỉnh sớm nhất từ CBAM như ngành thép, các quy định từ EU đang đặt ra áp lực rất lớn. Doanh nghiệp trong ngành buộc phải chạy đua để xanh hóa.
Ông Nguyễn Thanh Vĩnh Nhật, Giám đốc Kế hoạch Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, cho biết để giảm phát thải, công ty này đầu tư mua máy móc, trang thiết bị từ châu Âu, Nhật Bản, bởi công nghệ tiên tiến có vòng đời tối ưu hơn.
Chưa kể, công ty tạm dừng những dự định “tăng trưởng nóng” trong xuất khẩu mà tập trung phát triển thị trường nội địa, tập trung phát triển sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Ông Nhật nói cho biết ở thời điểm hiện tại buộc phải có “kỷ luật” khi xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ
“Để thực hiện báo cáo phát thải nhà kính, Tôn Đông Á phải làm việc với bên kiểm định thứ 3, cố gắng đạt tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn môi trường. Mặc dù CBAM hiện tại mới chỉ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu báo cáo chứ chưa áp dụng chính thức thuế carbon. Nhờ vậy công ty tự tin về chất lượng dữ liệu khi báo cáo về sản phẩm, từng lô hàng xuất khẩu”, ông Nhật chia sẻ.
Hiện các quy định mới của châu Âu, châu Mỹ cũng đang hướng tới việc tăng cường tái chế sản phẩm. Ví dụ trong ngành dệt may không chỉ yêu cầu tái chế trong sản xuất mà cả tái chế sản phẩm sau khi khách hàng sử dụng. Điều này đặt ra nhiều thử thách cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bà Anastacia Howe, Giám đốc bền vững của H&M cho biết phương pháp đo lường phát thải đang chưa đồng nhất giữa các nơi. Điều doanh nghiệp quan tâm là các tiêu chí đo lường phải đảm bảo công bằng, để doanh nghiệp có thể gia tăng quy mô nhanh chóng.
“H&M hiện cũng đang có chỉ số đo lường phát thải riêng và chúng tôi cũng mong bộ tiêu chí gần nhất với phương pháp đang dùng. Bởi chúng tôi mong muốn có thể áp dụng trên diện rộng và song hành cùng các đơn vị trong chuỗi cung ứng”, bà Anastacia Howe nói.
Đại diện H&M cho biết công ty đang chạy đua để truyền thông cho các nhà cung ứng toàn cầu thay đổi nhận thức, chuyển đổi sản xuất. Bởi H&M đang cộng tác với hơn 700 nhà cung cấp độc lập, những công ty này thường sở hữu các nhà máy của riêng họ. Nguồn hàng được gia công ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có Việt Nam nên H&M muốn “xanh” thì đồng nghĩa các đơn vị khác trong chuỗi, trước hết là các đơn vị gia công phải “xanh”.
Muốn vậy, các nhà máy gia công buộc phải tìm cách chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu bền vững. Nhưng quá trình này không phải có thể thực hiện nhanh chóng.