Các quỹ đầu tư xanh từ châu Âu, Bắc Mỹ đang hướng về Việt Nam
(DNTO) - Các quỹ đầu tư ngoại chuyên về phát triển bền vững đang hướng dòng tiền vào các thị trường mới nổi, trung tâm sản xuất mới như Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nhưng để tiếp cận nó không dễ dàng.
Cơ hội triệu USD
Mới đây, Quỹ khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) dành khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 575.000 Euro cho Công ty Phúc Sinh. Đây là khoản tài trợ lớn nhất với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay mà Quỹ này dành cho một công ty tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững, thực thi ESG (môi trường, xã hội và quản trị)...
Hồi tháng 8, Công ty Phúc Sinh cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư & Green (Hà Lan) với tổng tài trợ 25 triệu USD trong 7 năm.
“Nếu các doanh nghiệp khác có cùng tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững cũng sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế”, đại diện Công ty Phúc Sinh cho biết.
Ước tính hơn 3.800 quỹ đầu tư trên thế giới đang huy động được khoảng 121.000 tỷ USD để đầu tư vào các tài sản ESG. IFC cũng ước tính, các cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030, tập trung vào lĩnh vực: năng lượng, giao thông, xây dựng xanh.
Điều này cho thấy nếu doanh nghiệp thực thi tốt ESG và có chiến lược phát triển bền vững sẽ không thiếu các cơ hội nhận nguồn vốn từ trong và ngoài nước.
Ông Kim Thiên Quang, Tổng Giám đốc Maybank Invenstment Bank, đơn vị thực hiện nhiều thương vụ tư vấn vốn ESG cho các doanh nghiệp như Phúc Sinh, Vinfast..., cho biết thị trường Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư tại châu Âu, Bắc Mỹ và một số quốc gia phát triển ở châu Á. Họ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận tài chính mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua các lĩnh vực như nông nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh.
Các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi vì có sự hỗ trợ từ Chính phủ với cam kết mạnh mẽ trung hòa carbon vào năm 2050, điều này càng thu hút sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư ESG vào thị trường. Quan trọng hơn, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trung tâm sản xuất lớn của khu vực, điều này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các dự án phát triển bền vững, giúp họ đạt được các mục tiêu ESG.
Thách thức đến từ yêu cầu minh bạch
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia kinh tế độc lập, sáng lập viên Think Future Consultancy, cho biết rất nhiều Việt Nam có rất nhiều dự án xanh, tiềm năng, có nguồn vốn xanh sẵn sàng hỗ trợ. Nhưng việc mở rộng dự án xanh có khả thi hay không còn liên quan đến chính sách và khả năng thực thi chính sách và sự hỗ trợ của địa phương.
Ông Linh ví dụ dự án đốt rác thành điện là dự án rất hay, giải quyết được 2 vấn đề: Xử lý rác thải và cung cấp năng lượng, có khả thi để tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, để dự án có thể mở rộng ra nhiều tỉnh thành thì ở các địa phương phải có cam kết quy tập đủ số lượng rác cho nhà máy điện rác. Như vậy, nhà máy mới có thể đảm bảo đạt công suất tối đa để tạo ra đủ dòng tiền. Nhưng vấn đề thu gom, xử lý rác như thế nào ở một địa phương lại liên quan rất nhiều đến đối tượng.
"Nếu không có cam kết hỗ trợ từ tỉnh thì doanh nghiệp rất khó để đầu tư và triển khai", ông Linh nói.
Đại diện của Maybank Invenstment Bank cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp thách thức khi thực hiện ESG vì thiếu nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực. Đặc biệt dữ liệu về ESG chưa được chuẩn hóa và thiếu minh bạch có thể tạo ra những rào cản trong việc tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế.
Thực tế, chính Quỹ DFCD khi quyết định rót vốn cho Công ty Phúc Sinh cũng thừa nhận, họ chỉ hướng đến tài trợ cho những doanh nghiệp nông nghiệp thuộc top đầu trong lĩnh vực, có đầu tư vùng trồng lớn ở nhiều tỉnh thành, có tiềm năng và định hướng trong việc phát triển bền vững. Đặc biệt doanh nghiệp phải có hoạt động minh bạch.
Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng các khung pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, theo ông Kim Thiên Quang, việc phối hợp giữa các cơ quan chính phủ trong việc đồng bộ và nhất quán trong các chính sách pháp lý là một yếu tố cần thiết để nâng cao tính minh bạch, chuẩn hóa dữ liệu ESG và quản lý rủi ro sẽ giúp cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Chính phủ nên cân nhắc bổ sung các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn như ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh hoặc các dự án phát triển bền vững hay việc sớm ban hành danh mục phân loại xanh.
“Bằng cách tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và thân thiện với ESG, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời giúp các doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn”, ông Linh nhấn mạnh.