Doanh nghiệp trước lựa chọn sống còn: Giá rẻ hay ESG?
(DNTO) - Chuyên gia cho rằng những doanh nghiệp theo đuổi chiến lược tối ưu chi phí không có nghĩa bỏ qua ESG. Thay vào đó nên lắng nghe khách hàng muốn gì.
Đừng bỏ lỡ cơ hội như thời Grab, Airbnb
Cách đây 10 năm, xu hướng kinh tế chia sẻ lan rộng toàn cầu. Grab, Airbnb... là những ví dụ điển hình của nền kinh tế chia sẻ, đã phát triển rầm rộ và nhanh chóng phổ biến, trở thành sự lựa chọn ưu tiên của khách hàng thay cho những sản phẩm truyền thống.
Khái niệm kinh tế chia sẻ khi đó cũng bắt đầu phổ biến tại thị trường Việt Nam, nhưng lúc đó, đa phần doanh nghiệp chưa đánh giá được tầm quan trọng của mô hình này. Đến hiện tại, rõ ràng những doanh nghiệp vẫn đi theo mô hình kinh tế truyền thống cho thấy sự chậm lại, thậm chí bị gạt khỏi cuộc chơi.
Tương tự như mô hình kinh tế chia sẻ, ông Bùi Thế Anh, Giám đốc Tư vấn chiến lược EY Việt Nam, cho biết xu hướng ESG (nguyên tắc đầu tư ưu tiên 3 yếu tố môi trường, xã hội và quản trị) hiện nay cũng giống như vậy, là xu hướng tất yếu. Do đó, doanh nghiệp phải coi đây là khoản đầu tư bắt buộc, và phải đầu tư sâu để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
“Khi doanh nghiệp đã phát triển đến một quy mô nhất định, họ đều hướng tới việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài và tiến tới IPO tương lai. Nhưng mối quan tâm đầu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là báo cáo minh bạch ESG, tác động thực tế của doanh nghiệp khi ứng dụng ESG. 80% nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp có mức độ minh bạch cao hơn về ESG, theo EY. Khi không có những yếu tố này, gần như doanh nghiệp bị loại khỏi cuộc chơi của họ”, ông Thế Anh nói.
Mặc dù ESG yêu cầu doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bền vững nhưng theo vị này, điều đó không đồng nghĩa với việc hi sinh lợi nhuận. Nhiều nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra rằng doanh nghiệp áp dụng ESG tạo ra giá trị tài chính vượt trội.
“Một thương hiệu giày nổi tiếng thế giới phát triển công nghệ mới giúp giảm 80% lượng phát thải trong quá trình sản xuất giày thể thao. Nhờ vậy, họ cắt giảm chi phí sản xuất và xây dựng hình ảnh thương hiệu rất tốt trong mắt khách hàng. Ở Việt Nam, công ty sữa lớn đã đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải và năng lượng tái tạo của trang trại bò sữa. Khí biogas trong quá trình chăn nuôi tạo ra năng lượng, giúp giảm 10% năng lượng tiêu hao, mở rộng thị trường xuất khẩu ra 40 nước trên toàn cầu”, ông ví dụ.
Chọn giá rẻ không phải bỏ qua ESG
Về cơ bản, chuyên gia của EY cho biết doanh nghiệp hiện nay thường lựa chọn một trong 2 nhóm chiến lược chính: chiến lược tối ưu chi phí và chiến lược khác biệt hóa.
Chiến lược khác biệt hóa thường áp dụng cho các phân khúc cao cấp, xa xỉ. Khi đó, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư lớn hơn cho các nguyên vật liệu cao cấp hơn, với các chương trình xã hội lan tỏa hơn.
Nhưng ông Thế Anh phải thừa nhận, đa phần các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa của Việt Nam vẫn ưu tiên chiến lược tối ưu chi phí, nôm na là chiến lược giá rẻ. Trong chiến lược này, nếu đầu tư cho ESG – một khoản đầu tư rất lớn trong thời gian đầu và phân bổ vào chi phí trung hạn thì nó sẽ đội chi phí của doanh nghiệp lên rất nhiều. Đó chính là rào cản mà nhiều doanh nghiệp e ngại.
Khi họ đã tuyên ngôn với hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị là theo đuổi chiến lược giá rẻ, dù biết xu hướng ESG quan trọng nhưng khoản đầu tư ban đầu lớn sẽ quay lại vấn đề phân bổ chi phí, làm giá thành sản phẩm đội lên. Điểm mấu chốt là doanh nghiệp phải phân tích được các yếu tố tiên quyết trong mua hàng của khách và nó có trùng với chiến lược ESG hay không. Nếu song hành được 2 bộ tiêu chí đó, doanh nghiệp đạt được mục tiêu là vừa thực hiện ESG, vừa thu hút được lượng khách hàng mới.
“Ở Việt Nam, bền vững chưa phải yếu tố số 1 để đưa ra quyết định mua hàng. Nhưng đối với khách hàng châu Âu đây lại là yếu tố tiên quyết. Phân tích kĩ hành vi mua hàng của khách sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư có trọng tâm, đúng và trúng những yếu tố và khách hàng quan tâm. Như vậy doanh nghiệp giải được bài toán vừa phát triển sản phẩm giá rẻ, vừa thực hiện ESG”, ông Thế Anh phân tích.
Thực tế, nhiều tập đoàn FMCG toàn cầu vẫn theo đuổi chiến lược giá rẻ nhưng đồng thời vẫn xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Đơn cử như tập đoàn Unilever, họ phát triển chương trình Sustainable Living Plan (Kế hoạch sống bền vững), với mục tiêu giảm khí thải carbon từ hoạt động sản xuất và nguyên liệu bền vững.
Từ khi triển khai đến nay, tập đoàn giảm 15% lượng khí thải, tăng trưởng doanh thu từ các sản phẩm bền vững chiếm hơn 70% tổng doanh thu tập đoàn. Các thương hiệu “sống bền vững” cũng tăng trưởng nhanh hơn 60% so với các thương hiệu còn lại.
Đối chiếu với những hãng áp dụng chiến lược khác biệt hóa, chiến lược cũng được nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng, ông Thế Anh cho biết họ sẽ có nhiều ngân sách để thực hiện ESG hơn so với các doanh nghiệp theo chiến lược giá rẻ.
Tuy nhiên, kể cả như vậy, doanh nghiệp cũng phải phân tích rất kĩ yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng để thực hiện đồng bộ với chiến lược ESG của mình. Điều này đảm bảo tệp khách hàng trung thành của doanh nghiệp vẫn đáp ứng bộ tiêu chí đó, đồng thời vẫn thực hiện được ESG.
Với doanh nghiệp lo lắng về nguồn tài chính, vị chuyên gia cho biết doanh nghiệp nên tận dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Tổ chức tài chính cung cấp các nguồn vốn xanh. Ví dụ Nghị định 155 của Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Ngân hàng thế giới WoldBank, Tổ chức Tài chính Thế giới IFC... cũng cung cấp nhiều khoản vay ưu đãi cho chuyển đổi xanh. Nhiều ngân hàng trong nước cũng cung cấp các khoản vay tín dụng xanh.