Doanh nghiệp mất hàng triệu USD để theo đuổi các vụ kiện phòng vệ thương mại
(DNTO) - Ngay từ giai đoạn khởi kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp đã chịu thiệt hại khi đối tác ngần ngại kí đơn hàng mới hoặc ép giá. Nếu không chuẩn bị tốt nguồn lực ứng phó, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại rất lớn vì hàng hóa đánh thuế cao và khó để xuất khẩu.
Thiệt hại ngay từ khi có đơn kiện
Với mức tăng trưởng bình quân 13-17% hàng năm, có những năm tăng trưởng trên 20%, ngành gỗ Việt Nam là một trong những ngành bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất cũng là điều dễ hiểu.
Chia sẻ trong Tọa đàm 'Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, duy trì dòng chảy xuất khẩu hàng hoá bền vững' hôm 1/11, ông Ngô Sĩ Hoài - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết việc bị điều tra, áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại là nguy cơ, rủi ro thực sự mà doanh nghiệp gỗ đang phải đối diện.
Ngay từ giai đoạn khởi kiện, các doanh nghiệp đã thiệt hại. Bởi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công theo các đơn hàng của nhà nhập khẩu nước ngoài. Khi có động tĩnh khởi kiện điều tra, họ sẽ ngần ngại khi kí kết đơn hàng, thậm chí dùng đó như một cái cớ để ép giá.
Sau đó, khi thời gian điều tra kéo dài 2-3 năm, doanh nghiệp cũng đứng ngồi không yên, không biết liệu sản phẩm của xuất khẩu được không. Đến lúc điều tra ra phán quyết cuối cùng, nếu may mắn, các sản phẩm của ta không bị đánh thuế. Nhưng có những vụ việc dẫn đến phán quyết cuối cùng rất bất lợi cho chúng ta.
Ví dụ gỗ dán xuất khẩu vào Hàn Quốc đang bị áp thuế trên dưới 10%, ghế sofa xuất khẩu vào Canada đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trên dưới 100%. Thị trường Hoa Kỳ, nơi chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ, đang áp thuế chống lẩn tránh thuế với gỗ dán Việt Nam, trong đó 37 doanh nghiệp làm sản phẩm này cũng bị đưa vào danh sách đen.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW, cho biết khi doanh nghiệp Việt Nam bị khởi kiện, ban đầu phải huy động nguồn lực nhân sự, tài chính để theo đuổi các vụ kiện. Có những vụ việc kéo dài 1-2 năm, chi phí cho các vụ việc tương đối lớn.
“Ví dụ một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải thuê các công ty tư vấn, công ty luật ở nước sở tại, họ có kinh nghiệm trong việc giúp doanh nghiệp làm việc với cơ quan chức năng của nước đó. Chi phí đó có thể lên tới hàng triệu USD”, ông Hà cho biết.
Khi tiến hành các hoạt động điều tra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cập nhật thông tin về thông số, kĩ thuật, tài chính... từ rất nhiều năm trước để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, thời gian để doanh nghiệp cung cấp thông tin bị giới hạn, đây là áp lực cho doanh nghiệp.
Khi kết thúc giai đoạn điều trần, điều tra, nếu ngành hàng, doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì rõ ràng các chế tài, đặc biệt việc tăng thuế nhập khẩu sẽ làm giảm tính cạnh tranh, làm mất thị trường. Trong khi đó, một doanh nghiệp để tìm kiếm, thâm nhập vào thị trường, phát triển đại lý... cũng đã mất rất nhiều nguồn lực tài chính. Đây là một trong những rủi ro pháp lý tương đối lớn của doanh nghiệp xuất khẩu.
Chuẩn bị càng tốt thì thiệt hại càng nhỏ
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ.
Trong đó, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Tính chất các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn, nguy cơ đối diện với các rủi ro của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là rất lớn.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết trước đây vụ việc tập trung vào điều tra gian lận, khai báo sai xuất xứ, truyền tải bất hợp pháp hàng hóa từ nước thứ 3 sang Việt Nam. Những hành vi như vậy thường chỉ do một hoặc một vài doanh nghiệp gây ra, nếu bị phát hiện thì phía nước nhập khẩu sẽ xử lý doanh nghiệp đó.
Nhưng vụ việc điều tra gần đây không chỉ tập trung vào hành vi gian lận nữa mà tập trung vào việc ngăn chặn dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất từ nước đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sang nước khác. Như vậy phạm vi tác động lớn hơn rất nhiều, không chỉ một vài doanh nghiệp cá biệt mà cả một ngành.
“Ví dụ vụ việc điều tra gỗ, tủ gỗ, cơ quan điều tra nước ngoài cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng cấu kiện nhập khẩu Trung Quốc là một trường hợp mang tính chất lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hay vụ việc điều tra pin mặt trời, họ cho rằng các doanh nghiệp FDI mang các tế bào quang điện vào Việt Nam để lắp ghép lại và xuất sang Hoa Kỳ cũng là hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại. Nếu doanh nghiệp không tích cực, chủ động cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không nhất quán thì có rủi ro là các doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế cao hơn rất nhiều”, ông Trung nói.
Từ thực tế, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết đa phần các doanh nghiệp bị áp thuế phòng vệ thương mại là do “tình ngay, lý gian”. Có những vụ việc rất phức tạp từ khâu mở tài khoản để đăng nhập trang web Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cho đến việc trả lời các bảng hỏi phức tạp, trong khi thời gian không có nhiều nên các doanh nghiệp khai báo không cẩn thận, không đồng nhất. Có doanh nghiệp không hợp tác... đều sẽ bị liệt vào danh sách đen.
Có doanh nghiệp thuê luật sư nhưng khoán trắng cho luật sư, cuối cùng “tiền vẫn mất mà tật vẫn mang”. Trong thời gian điều tra dài như vậy thì vẫn cần có người chuyên trách theo sát, phối hợp, đưa ra các yêu cầu với luật sư.
“Trong quá trình điều tra, rất nhiều doanh nghiệp của chúng tôi tự tin, có con người, có kiến thức luật pháp và kĩ năng về phòng vệ thương mại thì họ đều vượt qua một cách ngoạn mục. Số doanh nghiệp bị liệt vào danh sách đen không nhiều”, ông Hoài nói.
Hiện Cục Phòng vệ thương mại cho biết cơ quan này đang theo dõi 300 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với các cơ quan liên quan ở trong và ngoài nước, các thông tin về thị trường, chính sách liên quan sẽ liên tục được cập nhật để đưa ra các cảnh báo sớm cho cơ quan chức năng, ngành hàng, doanh nghiệp có biện pháp ứng phó từ sớm.