Doanh nghiệp mệt mỏi khi tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng

(DNTO) - Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với khoảng 1,5 vụ điều tra liên quan đến chống bán phá giá, chống lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, và các biện pháp thuế quan. Điều này không chỉ gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ là một trong những ngành thường xuyên đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: T.L.
Số vụ kiện phòng vệ thương mại tăng 4 lần
Với hơn 300 doanh nghiệp xuất khẩu gần 6 tỷ USD mỗi năm, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ - ngành chủ lực của tỉnh Bình Dương đang đối mặt với nhiều khó khăn do các vụ kiện chống bán phá giá từ các đối thủ.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ Bình Dương, cho biết mặc dù nắm vững kiến thức về phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp đã giảm thiểu được rủi ro, tuy nhiên, việc đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá gia tăng khiến cho doanh nghiệp sản xuất khá mệt mỏi. Đặc biệt, các vụ việc gần đây có tính chất phức tạp gia tăng, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Một vụ kiện liên quan đến sản phẩm tủ bếp và tủ nhà tắm tại Hoa Kỳ vừa qua cho thấy, mặc dù một số doanh nghiệp đã được loại trừ khỏi các cáo buộc, ngành gỗ vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc giải trình”, ông Nguyễn Liêm cho hay.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, số vụ về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Giai đoạn 2001 - 2011 chỉ có 50 vụ thì giai đoạn 2012 đến tháng 8-2024 có tới 205 vụ phòng vệ thương mại (tăng hơn 4 lần).
Các biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng nhiều nhất là chống bán phá giá, với 140 vụ việc tính đến tháng 8-2024.
“Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với khoảng 1,5 vụ điều tra liên quan đến chống bán phá giá, chống lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, và các biện pháp thuế quan. Những vụ điều tra này không chỉ gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu”, Bộ Công thương cho biết.
Không chỉ Mỹ và các nước châu Âu có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), cho biết hiện nay cả các thị trường vốn được mệnh danh là "dễ tính" cũng gia tăng sử dụng các "đòn" phòng vệ thương mại.
Đến nay có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, là thị trường lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có các mặt hàng chủ lực như chế biến gỗ, dệt may… đã điều tra 138/256 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philiphines…
Tại ASEAN, 4 nước gồm Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng đã điều tra tới 48 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa từ Việt Nam.
“Đây là vấn đề lớn buộc doanh nghiệp phải nắm vững quy định tại các thị trường xuất khẩu và có biện pháp phòng ngừa rủi ro, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại”, ông Hưng nói.
Xuất hiện tình trạng bảo hộ quá mức cần thiết

Các nước tăng cường kiểm soát và hạn chế hàng hóa nhập khẩu tạo ra nhiều thách thức với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: T.L.
Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA). Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất và đã ký kết nhiều FTA nhất trên thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt khoảng 370 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm năm ngoái. Trị giá xuất khẩu đạt khoảng 190 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Á, châu Phi và châu Đại Dương mang đến nhiều cơ hội cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Nửa đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực châu Á đạt gần 89 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; khu vực châu Đại Dương và châu Phi lần lượt đóng góp gần 3,5 tỷ USD và 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 27% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái
Ngoài cơ hội, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết việc mở rộng xuất khẩu tại châu Á, châu Phi và châu Đại Dương cũng có những thách thức với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh mặt tích cực của tự do hóa thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn tồn tại các hoạt động đơn phương, trừng phạt, đối trọng, tạo sự kiềm chế… trong chính trị, kinh tế thương mại và các hoạt động này có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến.
“Bên cạnh việc các nước tận dụng tinh thần tốt đẹp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để tạo ra cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước, thì hiện nay đã có xu hướng chuyển sang bảo hộ và hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí là bảo hộ quá mức cần thiết. Trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết.
Ông Đỗ Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thị trường châu Á và châu Phi đang chiếm khoảng 65% của thị trường thế giới. Để khai thác tốt nhóm thị trường này, theo ông Hưng, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu, đánh giá rủi ro đối tác, và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn để đảm bảo quy trình xuất khẩu hàng hóa.
Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để nhận được sự hỗ trợ thông tin và kết nối với các đối tác nhập khẩu, xây dựng chiến lược xuất khẩu hợp lý, sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Đặc biệt, doanh nghiệp cần chọn đối tác có uy tín và thực hiện các biện pháp bảo đảm như đặt cọc trước khi xuất hàng”, ông Hưng nhấn mạnh.