Giữ vững trận địa xuất khẩu tỷ USD
(DNTO) - 2 tháng đầu năm, có tới 39/45 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy đã có những giải pháp đúng đắn đã được triển khai và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%, theo Bộ Công thương.
“Sự khởi đầu thuận lợi trong hai tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Mặc dù các kết quả 2 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng lãnh đạo Bộ Công thương nhận định, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới.
“Các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững. Ngoài ra, trong năm 2024 diễn ra nhiều cuộc bầu cử nên có thể dẫn đến nhiều thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách dân túy, mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại, tại các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nga, Ấn Độ... Vì vậy cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó”, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh.
Đặc biệt, các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...với thương mại.
Ngay cả với nhiều nước ở châu Á, các chính sách xanh cũng đang được áp dụng rộng rãi với hàng hóa nhập khẩu. Điển hình như Trung Quốc hiện cũng đang tập trung vào phát triển chất lượng cao, mở rộng phát triển kinh tế theo mô hình xanh, giảm thải carbon.
Ông Lương Văn Tài, Bí thư thứ 3, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết trên thực tế, xu hướng phát triển chất lượng cao đã được Trung Quốc thúc đẩy xây dựng trong nhiều năm trở lại đây, trong đó có việc nâng cao chất lượng hàng hóa nhập khẩu là một trong những yêu cầu tiên quyết. Trong năm qua, Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định, chính sách siết chặt quản lý với hàng hóa nhập khẩu và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
“Trung Quốc tạo điều kiện lưu thông thông thoáng cho hàng hoá chất lượng cao. Khi hàng hóa đã đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường này sẽ được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi từ hệ thống phân phối, logistics thông minh, hiện đại và thị trường tiêu thụ rộng lớn”, ông Tài nói.
Để giữ thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời mở rộng thêm nhiều thị trường mới, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết trước đây, cơ quan này đặt mục tiêu hỗ trợ càng nhiều các nhóm đối tượng càng tốt. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên khó để triển khai tất cả hoạt động theo các nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong năm 2024, Cục xúc tiến thương mại sẽ tập trung ưu tiên vào các hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn hơn, với sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tập trung vào từng nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực cụ thể, không dàn trải như trước. Đặc biệt sẽ tận dụng mạng lưới Thương vụ, cơ quan thương mại Việt Nam ở nước ngoài làm cầu nối kết nối giữa doanh nghiệp, hàng hóa trong nước với các thị trường sở tại, đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp để phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
“Những năm qua, hoạt động của các cơ quan, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã được cả người dân, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội biết đến. Trước đây, doanh nghiệp liên hệ với các cơ quan thương vụ thường có cảm giác xa xôi. Tuy nhiên, từ khi tổ chức các hoạt động giao ban xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hiệp hội, sở ban ngành địa phương được gặp gỡ với các thương vụ hàng tháng, mối quan hệ này trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Bất cứ một doanh nghiệp từ startup cho đến doanh nghiệp lớn, đều có thể liên hệ trực tiếp tới thương vụ thông qua group Cục, qua email, zalo, whatsap...”, ông Phú nói.
Cũng trong năm 2024, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng như (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đồng thời sẽ Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam… Song song với đó là hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi quy trình sản xuất phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định