‘Đánh’ thị trường mới như Trung Đông, Mỹ Latin... để xuất khẩu Việt Nam vụt sáng
(DNTO) - Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5-10%, giai đoạn 2020-2025, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại với 11 nhóm ngành hàng và khai thác các thị trường mới như Trung Đông – châu Phi, Úc, Mỹ Latin...
Trao đổi trong Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam 2020, sáng 16/12, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế Việt Nam vững bước vào năm 2021.
Cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm nay đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%.
“Điểm sáng về xuất khẩu có sự đóng góp không nhỏ từ các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế trong thời gian qua. Trong thời gian tới, các hình thức xúc tiến thương mại sẽ được theo hướng đa dạng, linh hoạt hơn để đẩy mạnh xuất khẩu cho các sản phẩm Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Để góp phần phát triển xuất khẩu bền vững, tận dụng hiệu quả những ưu thế khi thực thi các hiệp định thương mại tự do (như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, giai đoạn 2020-2025, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào 11 nhóm ngành hàng trọng tâm.
Cụ thể, 11 nhóm hàng gồm nhóm nông sản thực phẩm (thủy sản, trái cây, chè, cà phê, hạt điều, hồ tiêu và gia vị, cao su, gạo); nhóm công nghiệp chế biến (dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ) và nhóm phần mềm.
“Căn cứ vào tiềm năng thị trường, khả năng cung ứng của Việt Nam và nội dung của các Hiệp định thương mại tự do, 11 nhóm hàng này được xác định có tiềm năng phát triển xuất khẩu bởi hầu hết chỉ mới khai thác 40-60%. Trong dài hạn, xuất khẩu bền vững sẽ cần lựa chọn và hỗ trợ được những ngành hàng tạo giá trị gia tăng, tự chủ động được về nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và kết hợp đồng thời nhiều hình thức xúc tiến thương mại”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Cũng theo kế hoạch của Cục Xúc tiến thương mại, trong thời gian tới, định hướng xúc tiến thương mại sẽ tập trung giữ vững các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và thị trường các nước đối tác đã kí kết FTA với Việt Nam như EU, các nước CPTPP (Canada, Mexico), Nhật Bản, Hàn Quốc,… và thị trường ASEAN.
Đồng thời, để hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển và đa dạng thị trường, trong những năm tới cũng sẽ tập trung khai thác các thị trường mới như Trung Đông – châu Phi, Úc, New Zealand, Mỹ Latinh (các nước thuộc khối thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR và các thị trường ngách khu vực Mỹ Latinh), Liên bang Nga, Đông Âu, Nam Á, Myanmar,…
“Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số sẽ được chú trọng để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng phù hợp”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.