Cục Điện lực khẳng định không có chuyện cán bộ nhũng nhiễu, gây khó cho các dự án điện tái tạo
(DNTO) - Đại diện Cục Điện lực cho biết sẵn sàng công khai số điện thoại để nghe phản ánh nóng về tình trạng hoàn thành thủ tục của các dự án năng lượng tái tạo.
Ngày 7/6, Bộ Công Thương tổ chức gặp báo chí thông tin về tình hình cung cấp điện.
Liên quan đến việc đàm phán giá với các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp, ông Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty Mua bán điện (EPTC), thông tin, đến ngày 7/6 đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.691 MW gửi hồ sơ cho EPTC để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Trong đó có 56 dự án (công suất 3.087 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo quyết định số 21 của Bộ Công Thương). 51/56 dự án đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA, trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.
Hiện có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Trong đó có 9 dự án (tổng công suất 472 MW) chính thức được phát điện thương mại.Có 19 dự án đã được nghiệm thu; 27 dự án được cấp giấy phép hoạt động điện lực; 25 dự án gia hạn chủ trương đầu tư. Còn 19 dự án với tổng công suất 1.042,7 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán giá.
Trước phản ánh có tình trạng cán bộ điện lực gây khó dễ trong thực hiện thủ tục tại các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, khẳng định không có chuyện cơ quan quản lý điện gây khó khăn cho việc nghiệm thu các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
"Tôi sẵn sàng công khai số điện thoại để tất cả mọi người có thể kiến nghị, phản ánh trực tiếp", ông Hùng nói.
Đại diện Cục Điện lực cho biết, các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan như đất đai, phòng cháy chữa cháy, tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường… mới có thể được nghiệm thu.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra thời gian qua, mỗi dự án đều có những vướng mắc về đất đai, phòng cháy chữa cháy, thỏa thuận đấu nối... buộc chủ đầu tư phải hoàn thiện. Điều này dẫn đến một số dự án chậm triển khai.
Theo thẩm quyền, Cục Điện lực Tái tạo phải thẩm định các dự án năng lượng tái tạo trên 50 MW, các Sở Công thương các tỉnh thành kiểm tra các dự án quy mô nhỏ hơn. Mới đây, Bộ Công thương có văn bản gửi UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công thương thực hiện thẩm định các dự án năng lượng tái tạo.
"Với chức năng của mình, chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp", ông Hùng nhấn mạnh.