Blockchain đang tự giải 'tiếng oan'
(DNTO) - Việc thể hiện là một ứng dụng tiện ích trong các doanh nghiệp, Chính phủ, đã giúp công nghệ blockchain thoát khỏi “tiếng oan” khi thường bị gắn với thị trường tiền số.
Cởi sợi dây buộc chân bằng cách tạo giá trị
Cuộc khảo sát mới đây từ CasperLabs và Zogby Analytics với hơn 600 lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ, Anh và Trung Quốc đã chỉ ra, việc ứng dụng blockchain trong môi trường doanh nghiệp đang diễn ra tích cực.
Cụ thể, gần 90% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đã triển khai công nghệ blockchain ở một mức độ nhất định, 87% trong số đó có kế hoạch đầu tư vào blockchain trong năm tới. Riêng ở Trung Quốc, hơn 1/2 số người được khảo sát dự định sẽ đầu tư vào blockchain trong năm nay.
Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng trong các doanh nghiệp, blockchain hiện đang được nhiều Chính phủ ứng dụng trên quy mô ngày càng lớn.
Điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ ra mắt một ứng dụng nhận dạng kỹ thuật số dựa trên blockchain, để phục vụ cho việc đăng nhập cho các dịch vụ công trực tuyến.
Ngân hàng lớn nhất nước Nga, Sberbank, dự kiến triển khai các thử nghiệm mở nền tảng DeFi (Decentralized Finance - nền tài chính phi tập trung hoạt động trên blockchain) vào tháng 5 tới. Nền tảng cho phép khách hàng sử dụng các ví lớn như MetaMask thực hiện giao dịch thương mại, chuyển tài sản từ các nền tảng blockchain khác.
Chuỗi nhà thuốc với hơn 1.000 cửa hàng ở Ukraine, ANC Pharmacy, tuyên bố cho phép khách hàng thanh toán bằng tiền mã hóa qua Binance Pay, khi mua các sản phẩm dược phẩm trực tuyến.
Một vườn ươm cần sa có trụ sở tại California (Mỹ) đã áp dụng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh để xác thực dòng di truyền của các cây cần sa.
Ở Việt Nam, từ những năm 2018, một số ngân hàng như Vietinbank, VIB, TPBank, đã thử nghiệm chuyển tiền liên ngân hàng bằng ứng dụng blockchain. Năm 2019, Ngân hàng HSBC mở đầu việc ứng dụng blockchain trong thanh toán quốc tế bằng giao dịch thư tín dụng (L/C). Ngay sau đó, 5 ngân hàng thương mại khác cũng áp dụng.
Ngoài ra, blockchain đã được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc nông sản, lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo, bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử…
Trước đây, người ta thường hoài nghi khi các chuyên gia trong ngành nhắc về những tính năng nổi bật của công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) với cuộc sống. Bởi ở giai đoạn đầu, blockchain thường được biết đến khi gắn liền với thị trường tiền mã hóa, một thị trường với những biến động không ngừng và tiềm ẩn nhiều rủi ro với các nhà đầu tư khi chưa có khung khổ pháp lý điều chỉnh.
Nhưng giờ đây, công nghệ blockchain đang tự chứng minh tiềm năng là tầm quan trọng của mình, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và Chính phủ số. Công nghệ chuỗi khối có thể được sử dụng để theo dõi các giao dịch tài chính và cải thiện tính minh bạch, giảm gian lận và giúp giao dịch an toàn hơn. Nó cũng có thể được sử dụng để theo dõi các dịch vụ của Chính phủ, chẳng hạn như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, những dịch vụ ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ trực tuyến.
Các doanh nghiệp và cá nhân cũng đang ngày càng xem xét lợi ích của công nghệ chuỗi khối, đặc biệt là khi nói đến bảo mật dữ liệu, theo dõi tài sản và thực hiện các giao dịch hiệu quả hơn.
Sẽ có nhiều màn thể hiện ấn tượng
Công nghệ blockchain hiện đang bao trùm từ lĩnh vực thương mại đến công nghiệp hiện đại với tỷ lệ chấp nhận nhanh chóng trên diện rộng.
Trong thời gian tới đây, theo ông Trần Huyền Dinh, CEO AlphaTrue, Trưởng Ban Ứng dụng Fintech (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) cho biết nhiều doanh nghiệp sẽ triển khai các sản phẩm thử nghiệm là tokenize tín chỉ carbon (theo hình thức token hoặc NFT) để dễ dàng giao dịch, trao đổi.
“Đây cũng được dự đoán là một trong những xu hướng mới trong những năm tiếp theo khi rất nhiều quốc gia đã và đang trong quá trình triển khai và Việt Nam cũng đã có nghị định 06/2022/NĐ-CP thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon”, ông Dinh nói.
Mặt khác, ông Nguyễn Trung Thành, nhà sáng lập TrustKeys Netwwork, cho rằng các công nghệ giúp mở rộng quy mô blockchain sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư lớn trong năm 2023, bên cạnh các chuỗi mới như Aptos, SUI ..., là các công nghệ Layer 2.
“Những ứng dụng Social Finance (mạng xã hội kết hợp với tài chính phi tập trung) có thể có quy mô lên tới hàng chục, hàng trăm triệu người, khi áp dụng blockchain thì vấn đề khả năng mở rộng và chịu tải luôn được đặt ra nhằm duy trì tính khả dụng”, ông Thành nhận định.
Để lại đằng sau những khủng hoảng của năm 2022 với những cú sập của nhiều sàn giao dịch tiền số, năm 2023 được kỳ vọng là thời điểm thị trường blockchain thanh lọc và tìm kiếm các hướng phát triển mới. Nhìn một cách tích cực, sau những khủng hoảng là lúc ngành công nghiệp này hướng tới chứng minh mình là một công nghệ nền tảng, ứng dụng thiết thực để phục vụ đời sống xã hội. Đây cũng là cơ hội để các dự án blockchain trở thành một phần của doanh nghiệp, Chính phủ và thâm nhập sâu hơn vào đời sống.