Thị trường blockchain đi về đâu trong năm 2023?
(DNTO) - Khép lại những khủng hoảng lớn trong năm ngoái, năm 2023 sẽ được xem là năm bản lề khi thị trường blockchain bước vào thanh lọc, tìm kiếm dự án mới cũng như các quốc gia từng bước xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường.
Băn khoăn về tương lai của blockchain
“Cơn bão” blockchain (công nghệ chuỗi khối) đi qua thế giới trong những năm gần đây mang đến nhiều cơ hội mới, những giải pháp mới về quản lý dữ liệu và bảo đảm an toàn giao dịch cho nhiều ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của tiền điện tử trong năm 2022 bắt đầu từ cú sụp đổ của hệ sinh thái Terra Luna và FTX, đã khiến mọi người đặt ra băn khoăn về tương lai của blockchain khi công nghệ này ở thời điểm hiện tại vẫn được biết đến là gắn liền với thị trường tiền mã hóa.
Nhưng, không phải bây giờ blockchain mới đối diện với khủng hoảng. Trước đó, giai đoạn 2018-2019, thị trường tiền điện tử cũng đã đối diện với quãng thời gian chao đảo. Và ở thời điểm hiện tại, dù thị trường tiền điện tử đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng trong tương lai cũng không ai dám chắc sẽ có thêm những cú sập tương tự.
Thế nhưng, blockchain vẫn là một công nghệ quan trọng. Chẳng hạn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khi chuyển tiền xuyên quốc gia, hiện phải thông qua Hiệp hội truyền thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Nhưng SWIFT chỉ tập trung xử lý các lệnh thanh toán, còn tiền thực tế được chuyển qua hệ thống trung gian, làm tăng chi phí bổ sung và tăng thời gian làm việc từ 2-4 ngày. Nếu ứng dụng blockchain, các giao dịch chuyển tiền có thể được thực hiện trực tiếp và theo dõi một cách công khai, minh bạch mà không phải dựa vào SWIFT.
Hay trong truy xuất nguồn gốc, blockchain đang được ứng dụng rộng rãi để mã hóa thông tin về sản phẩm. Người dùng dễ dàng sử dụng số seri được mã hóa để tra cứu các thông tin về sản phẩm.
Ông Nguyễn Trung Thành, Nhà sáng lập TrustKeys Netwwork (ứng dụng mạng xã hội trên blockchain) nhận định, khi cuộc khủng hoảng tiền mã hóa hiện tại có khả năng kết thúc, tương lai công nghệ chuỗi khối sẽ rất tươi sáng. Do công nghệ này có tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp với các giao dịch minh bạch và an toàn.
“Mặc dù nhiều người sẽ hoài nghi liệu công nghệ chuỗi khối có tồn tại qua cuộc khủng hoảng hiện tại và tiếp tục phát triển trong tương lai hay không, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là công nghệ này vẫn đang trên đà phát triển. Trên thực tế, nó dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể trong những năm tới”, ông Thành nhận định.
3 xu hướng dẫn dắt thị trường blockchain
Một cuộc khảo sát mới đây trên Diễn đàn Phổ cập Blockchain về những kỳ vọng cho năm 2023 cho thấy, khoảng 29% thành viên đang hướng tới những đổi mới về công nghệ, đặc biệt là công nghệ bảo mật để giảm thiểu tối đa những vụ tấn công làm rúng động thị trường. 29% mong đợi có sự thúc đẩy giáo dục để cộng đồng hiểu hơn về blockchain và tiền mã hóa.
22% người khảo sát mong có những tiến triển trong nghiên cứu, ứng dụng tiền tệ ngân hàng trung ương (CBDC). 20% người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc thắt chặt quản lý và ban hành khung pháp lý cho ngành blockchain nhằm phòng ngừa, hạn chế tối đa những trường hợp xấu như sự sụp đổ hệ sinh thái Terra/LUNA hay sự kiện sàn giao dịch FTX phá sản.
Như vậy có thể thấy, cộng đồng đều đặt kỳ vọng về ngành công nghiệp blockchain có thể vươn lên mạnh mẽ, tránh khỏi “vết xe đổ” từ thất bại trong năm trước. Những đổi mới công nghệ sẽ giúp blockchain sớm trở thành công nghệ nền tảng được ứng dụng theo hướng thiết thực, phục vụ đời sống xã hội.
Ông Trần Huyền Dinh, Trưởng Ban Ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam, CEO AlphaTrue nhận định có 3 xu hướng sẽ tiếp tục thúc đẩy công nghệ blockchain trong năm 2023.
Đầu tiên là AI (trí tuệ nhân tạo) với sự ra đời của ChatGPT, sẽ tạo ra nhiều bất ngờ khi AI và blockchain có thể gioa thoa và bén rễ sâu với nhau. AI sử dụng công nghệ máy học để thúc đẩy hiệu suất, hiệu quả và độ chính xác của dữ liệu. Trong khi đó, blockchain tìm kiếm sức mạnh và năng lượng để vận hành một mạng máy tính.
Xu hướng thứ hai là Defi 2.0 (tài chính phi tập trung, hay phiên bản điện tử của ngành tài chính), là sự phát triển mới của Defi với nhiều cải tiến hơn cũng nhiều ứng dụng hơn ví dụ như sàn giao dịch phái sinh 100% trên Defi, tốc độ xử lý được cải thiện hơn và an toàn hơn so với Defi 1.0.
"Sự cải tiến này bắt đầu xuất hiện 1 thuật ngữ mới đó là Real-Yield (lợi nhuận thực tế); rất nhiều dự án "bánh vẽ", mức lợi nhuận cao trên thị trường sẽ bị loại trừ và thay vào đó là những dự án làm thật và có lợi nhuận thực sự", ông Dinh cho hay.
Cuối cùng, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng staking (cho phép lưu trữ lượng tiền số nhất định của một dự án blockchain để nhận thưởng), nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể tiếp cận được với những sản phẩm "staking" khá an toàn có lãi suất tốt hơn ngân hàng rất nhiều và có khả năng tăng giá mạnh trong tương lai. Chính điều này sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền của nhà đầu tư mới vào thị trường.