Việt Nam cần những biện pháp cấp bách để phục hồi kinh tế
(DNTO) - Trong khi các quốc gia lấy lại nhịp phục hồi kinh tế sau thời gian đối phó với dịch Covid-19, thì từ quý 2/2021, kinh tế Việt Nam chững lại do dịch bùng phát và các biện pháp khống chế dịch ngặt nghèo, kéo dài. Để phục hồi kinh tế, rất cần biện pháp cấp bách để khơi thông tắc nghẽn.
6 yếu tố bất định Việt Nam sẽ đối mặt
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, quý 3/2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm 6,17%, điều đó như một nghịch lý trong bức tranh kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đang lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng dương. Điều này cho thấy, xét ở tầm vĩ mô, kinh tế Việt Nam đã bị lạc nhịp so với thế giới.
Nhận xét về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, TS. Trần Toàn Thắng, Trung Tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng năm 2021, kinh tế Việt Nam có những thuận lợi, cơ hội song hành cùng khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo ông Thắng, dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác để buộc Việt Nam phải thay đổi về cấu trúc nền kinh tế.
Theo ông Thắng, hiện Việt Nam vẫn đang chống chọi với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Dịch Covid-19 không còn được coi là sự gián đoạn đơn thuần, mà đã và đang làm thay đổi cấu trúc kinh tế cũng như các hành vi đầu tư sản xuất, tiết kiệm, tiêu dùng, tác động tiêu cực đến các động lực kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Trong thời gian tới, cần khẩn trương thực hiện các hỗ trợ đã công bố, đồng thời nghiên cứu thực hiện gói phục hồi tăng trưởng trong trung hạn, xây dựng chiến lược và kịch bản sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới, đặc biệt cần có sự tiếp cận và tư duy chính sách mới trong giai đoạn tới.
Khi đánh giá về triển vọng phục hồi trong quý 4/2021, TS. Trần Toàn Thắng lưu ý, bên cạnh cơ hội bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, dòng đầu tư FDI, triển vọng thương mại từ các FTA và đặc biệt là sự chuyển hướng trong kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam, tăng trưởng thời gian tới sẽ đối mặt với 6 yếu tố bất định.
Những yếu tố đó gồm: Sự rủi ro từ biến động giá cả từ thế giới; sự leo thang của chi phí logistics; định hình chuỗi ngày càng gia tăng; sự chuyển dịch các dòng vốn trong nước; nguy cơ nợ xấu, áp lực ngân sách và phục hồi lao động.
Theo phân tích của ông Thắng, ảnh hưởng chi phí logistics chưa thể về 0 vào năm 2023, điều này gây rủi ro về kinh tế đối với Việt Nam.
Thứ hai, các gói hỗ trợ của các quốc gia cũng ảnh hưởng tới đà phục hồi của Việt Nam. Cụ thể, với gói hỗ trợ của Mỹ là dùng tiền mặt hỗ trợ các hộ gia đình, hay EU hỗ trợ cho khu vực sản xuất, doanh nghiệp…, sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Theo đó, với đóng góp gói hỗ trợ của Mỹ sẽ giúp tăng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.
Theo nhận định của ông Thắng, các gói này kéo dài trong năm 2022-2023, và có cầu tương đối hấp dẫn. Bên cạnh đó, một thuận lợi nữa đối với sự phục hồi của Việt Nam là câu chuyện về FTA.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, sau quý 3/2021, GDP tăng trưởng âm 6,17%, và những ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn phức tạp, tăng trưởng GDP cả năm 2021 được dao động trong khoảng 1,5 -1,9%.
“FTA có ảnh hưởng tương đối tích cực, ai cũng kỳ vọng. EVFTA là đóng góp lớn, sẽ có tác động về mặt xuất khẩu lớn cho Việt Nam trong năm 2022-2023, vì tốc độ cắt giảm thuế quan của các Hiệp định lớn, tạo đột biến trong lộ trình xuất khẩu…”, ông Thắng phân tích.
Cần biện pháp cấp bách trong kiểm soát dịch để phục hồi kinh tế
Trước triển vọng khó có thể phục hồi nhanh trong quý 4/2021, cũng như đầu năm 2022, ông Thắng cho rằng, nền kinh tế rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch để đảm bảo khơi thông những tắc nghẽn trong nền kinh tế.
Theo nhóm nghiên cứu của NCIF, kinh tế quý 4/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, tăng trưởng quý 4/2021 sẽ dao động từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% (kịch bản khả quan), 1,52% (kịch bản cơ sở). Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,43%.
Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu của NCIF dự báo tăng trưởng GDP vào khoảng 5,8% (kịch bản cơ sở) và có thể cán mốc 6,7% nếu các yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế.