Hà Nội sẽ mở rộng cửa để đón 'đại bàng'
(DNTO) - Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với Hà Nội, lãnh đạo thành phố cho biết luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; đồng thời sẽ có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Trong Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”, do Thành ủy - UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 19/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, TP Hà Nội luôn xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô. Vì vậy, chính quyền thành phố luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động làm việc trong doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD. Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 3 trên cả nước với số vốn là 3,83 tỷ USD. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2021, số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Hà Nội đạt 1,28 tỷ USD. Doanh nghiệp FDI đã đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách của thành phố, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn thành phố.
“Chính quyền TP Hà Nội đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất. Đồng thời tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính quyền TP Hà Nội cam kết sẽ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, TP Hà Nội cho biết sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số...
Cũng trong Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với nhiều giải pháp hiệu quả.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ cho hơn 57,7 nghìn khách hàng với số dư nợ trên 75.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 189.000 khách hàng với số dư nợ hơn 335.000 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi tới 1,16 triệu tỷ đồng cho hơn 103.000 lượt khách hàng. Hỗ trợ cho người lao động vay phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 238 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, TP Hà Nội với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 của thành phố; Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, trong các khu, cụm công nghiệp và các địa phương.
“TP Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.