Tạo ‘đất lành’ cho ‘đại bàng’ cất cánh
(DNTO) - Việc Chính phủ đổi mới tư duy và biện pháp chống dịch cùng những chính sách ưu đãi đầu tư được tung ra kịp thời sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI phát triển, đồng thời thu hút thêm các “đại bàng” mới.
Chính sách chưa từng có hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài
Quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt trong Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây 1 tuần (8/10), được các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá là “đúng và trúng” thời điểm để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước cùng khu vực trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bên cạnh ưu đãi đặc biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, các dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện đặt ra còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước từ 18-20 năm, giảm 55-75% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt vòng đời dự án.
Đây được xem là mức ưu đãi chưa từng có, bởi từ trước đến nay, những ưu ái lớn nhất dành cho các “ông lớn” FDI tại Việt Nam như Samsung, LG cũng chỉ là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Cùng với đó, để đối phó với dịch bệnh, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong đó, các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch với những tiêu chí phân loại rõ ràng, áp dụng thống nhất trên toàn quốc để đảm bảo không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Trong vòng 2 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 3 lần gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Trong các cuộc gặp đó, người đứng đầu Chính phủ liên tục nhắc lại cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến với Samsung Việt Nam và hơn 20 nhà cung ứng của Samsung Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay như bổ sung nguồn nhân lực sản xuất, nới lỏng quy chế di chuyển giữa các tỉnh, chính sách tiêm vaccine, giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ các loại chi phí, thuế…
Trong điều kiện vẫn còn dịch bệnh, TS. Võ Trí Thành nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cụm từ “thích ứng, sản xuất an toàn” là giải pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, phục hồi sản xuất.
“Việc Chính phủ cho doanh nghiệp thấy rõ các kế hoạch, biện pháp chống dịch theo từng giai đoạn là một sự hỗ trợ hiệu quả, sẽ giúp doanh nghiệp có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh kịp thời trong điều kiện mới”, ông Thành nêu quan điểm.
Nhiều “đại bàng” tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam
9 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19 (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Một số dự án nổi bật có thể kể đến như việc tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) phê duyệt khoản đầu tư lên đến 83 triệu USD, trong đó 37 triệu USD vốn tăng thêm cho dự án Hyosung tại Đồng Nai; 46 triệu USD để mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc nhằm tăng sản lượng sản xuất, phục vụ nhu cầu đơn hàng gia tăng.
Ông Yoo Sun Hyung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hyosung Việt Nam cho biết, mặc dù Đồng Nai là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng địa phương đã có sự hỗ trợ nhanh chóng cho nhà đầu tư nước ngoài trong các thủ tục hành chính, thực hiện “3 tại chỗ” hay tiêm vaccine cho công nhân, nhờ vậy doanh thu của Hyosung vẫn liên tục tăng trưởng dương.
Cũng cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vừa công bố sẽ rót thêm 132 triệu USD để nâng công suất chế biến cho nhà máy ở Đồng Nai, nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê cao cấp cho thị trường thế giới.
Hay mới đây, Panasonic (Nhật Bản) cũng công bố khoản đầu tư 45 triệu USD để khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị chất lượng không khí lần đầu tiên của hãng ở Việt Nam, đặt tại Bình Dương và sẽ xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi.
Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là Samsung cũng đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội với tham vọng đưa Việt Nam thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu. Tập đoàn này đồng thời có dự án mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh để nâng sản lượng sản phẩm điện thoại smartphone mẫu gập của hãng lên 25 triệu chiếc/năm.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, dịch Covid- 19 lần thứ 4 mặc dù gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất nhưng không khiến Tập đoàn này thay đổi chiến lược đầu tư vào Việt Nam, bởi Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng chuỗi cung ứng.
Các Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc… vẫn khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, chính trị ổn định, nguồn lao động trẻ và dồi dào… , và cam kết sẽ chung tay cùng Chính phủ Việt Nam để đẩy lùi dịch bệnh.