Doanh nghiệp FDI: Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư hấp dẫn
(DNTO) - 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đánh giá Việt Nam là môi trường đầu tư thuận lợi và sẵn sàng mở rộng đầu tư, sản xuất trong thời gian tới.
Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Là một trong những doanh nghiệp FDI có mặt tại Việt Nam từ những năm 1995, đến nay, Nestlé đã đầu tư vào Việt Nam 730 triệu USD, vận hành 4 nhà máy cùng 2 trung tâm phân phối, tạo việc làm cho 2.200 lao động.
Mặc dù chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, Tập đoàn Nestle vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới trị giá 132 triệu USD để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan xuất khẩu, trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường châu Á và Australia.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27/9, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho rằng Việt Nam đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với vai trò là điểm đến đầu tư trong tầm nhìn dài hạn, bền vững; thể hiện sự tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực. Điều này được thể hiện ở 4 yếu tố như nền chính trị ổn định và linh hoạt, vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ dồi dào và việc tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu.
“Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới. Chúng tôi tự đặt ra câu hỏi làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới vì với lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cống hiến, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam được ghi nhận đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà Tập đoàn Nestlé đang có mặt”, ông Binu Jacob nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm cho rằng Việt Nam có một môi trường đầu tư tốt cho các doanh nghiệp FDI, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, mặc dù thời gian gần đây Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 tuy nhiên về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tổng số vốn đầu tư của Samsung vào Việt Nam lên tới 17,7 tỷ USD. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung tại Hà Nội đang được xây dựng với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022.
“Từ những kinh nghiệm tích lũy sau khủng hoảng cùng với sự tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đang liên tục mở rộng đầu tư. Cho đến thời điểm hiện tại, Samsung đã giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt và hàng năm, chúng tôi vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD; đồng thời đang đầu tư thiết bị sản xuất cho 6 nhà máy, đa dạng hoá các hạng mục sản xuất như thiết bị 5G hay máy tính xách tay”, ông Choi Joo Ho cho hay.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
“Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cho rằng những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời”, bà Ngọc nêu quan điểm.
Tái khởi động: Địa phương và doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ
Tuy nhiên, trước tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành phía Nam, các doanh nghiệp FDI vẫn gặp phải nhiều thách thức như tình trạng thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn khi vừa duy trì sản xuất, vừa chống dịch…
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều cho rằng yếu tố “then chốt” để có thể tái mở cửa chính là việc đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vaccine cho người dân. Bên cạnh đó, các quy định cần thống nhất từ trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI mong muốn có những hướng dẫn chuẩn kèm kế hoạch, lộ trình được định sẵn để đảm bảo việc sản xuất của các khu công nghiệp không bị dừng hoạt động trong bất kỳ tình huống nào.
Hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp bằng các nghị quyết của Chính phủ, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải pháp mang tính cấp thiết hiện nay là phải triển khai có hiệu quả Nghị quyết 105 của Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung xử lý các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất để giảm tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp.
Để sản xuất đảm bảo an toàn, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thì phải thực hiện “5 xanh”: Địa bàn “xanh”, doanh nghiệp “xanh”, nơi ở “xanh”, vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc “xanh”, công nhân “xanh” (tiêm đầy đủ vacine theo quy định hoặc nhiễm đã khỏi bệnh).
“Chúng tôi cũng đang dự thảo việc giao cho doanh nghiệp tự chủ và tự chịu trách nhiệm về xét nghiệm và kết quả xét nghiệm. Để thực hiện tốt được kế hoạch khôi phục sản xuất thì địa phương và doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Địa phương cần thành lập 1 tổ xử lý tình huống phát sinh cho doanh nghiệp trong trạng thái vừa sản xuất vừa chống dịch bệnh. Từ đó, những tình huống phát sinh trong sản xuất sắp tới mới được giải quyết lập tức ngay tại địa phương”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các hiệp hội doanh nghiệp thành viên tiến hành điều tra khảo sát hơn 500 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Qua khảo sát, có 67% doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch Covid.