FDI khó rời Việt Nam
(DNTO) - Việt Nam là quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp FDI. Dịch chuyển đơn hàng không có nghĩa doanh nghiệp FDI rút vốn khỏi Việt Nam.
Vốn đầu tư FDI tăng 4,4%
Báo cáo vừa công bố sáng nay, ngày 29/9, của Tổng cục Thống kê cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan trong đầu tư FDI tại Việt Nam 9 tháng đầu năm qua.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9, bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD. Con số này tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép, với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ đô la, mặc dù giảm 37,8% về số dự án nhưng lại tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Có 678 lượt dự án đã cấp phép đăng ký điều chỉnh vốn thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%.
Đại diện Tổng cục Thống kê, bà Chu Thị Hải Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, cho biết số dự án mới giảm chủ yếu là các dự án nhỏ dưới 5 triệu USD. Điểm tích cực là Việt Nam đón được các dự án có vốn đầu tư lớn với quy mô hàng tỷ USD, đơn cử như Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; hay Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trên 1,31 tỷ USD.
Trong bối cảnh dịch bệnh tác động không nhỏ đến tình hình các doanh trong nước nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng, đặc biệt các tỉnh thành phía Nam nơi tập trung doanh nghiệp FDI như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, thì kết quả trên cũng là một thành quả đáng ghi nhận.
"Chính phủ vẫn luôn nỗ lực hết sức. Tôi khẳng định thêm môi trường đầu tư với những lợi thế của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị như chính trị ổn định, lao động dồi dào, thị trường lớn, năng suất lao động được cải thiện… Tôi tin rằng các nhà đầu tư FDI sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam", bà Chu Thị Hải Vân khẳng định.
"Không phải chúng ta có vấn đề 2-3 tháng là họ đã rút vốn"
Nhận xét về dòng vốn FDI trong nước, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam, chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra ngày hôm qua, 28/9, cho biết, Việt Nam là quốc gia có dòng vốn FDI lớn. Tuy nhiên theo ông, "chúng ta cần nhiều vốn FDI nhưng quá nhiều không tốt. Trong 5 năm tới bình quân 12-16 triệu USD mỗi năm là thích hợp".
"Doanh nghiệp FDI vào nhiều họ sẽ cạnh tranh lực lượng lao động và nhiều thứ khác với doanh nghiệp trong nước, dẫn đến doanh nghiệp trong nước khó phát triển mạnh. Do đó vốn FDI cũng cần phải chọn lọc", đại diện Dragon Capital nhận định.
Khảo sát của hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, gồm AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam), EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam) và US-ASEAN (Hội đồng Kinh doanh Mỹ) cho biết, ít nhất 20% thành viên sản xuất của họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, điều này chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân: "Ở Mỹ và châu Âu, Giáng sinh là mùa quan trọng. Ngay đợt các doanh nghiệp nước ngoài chuẩn bị cho các đơn hàng giáng sinh thì lại đúng ngay thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam. Do đó nếu có nhiều nhà máy thì họ phải dịch chuyển đơn hàng, nhưng điều này không có nghĩa họ rút vốn khỏi Việt Nam".
"Các nhà đầu tư FDI họ có tầm nhìn 5 năm, 10 năm, không phải chúng ta có vấn đề 2-3 tháng là họ rút vốn, hoặc nếu có thì không thể là xu hướng lớn được", ông Lê Anh Tuấn nhận định.
TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đang có lộ trình mở cửa trở lại, khởi động lại nền kinh tế, cùng đó là chính sách tích cực để phục hồi hoạt động các doanh nghiệp trên địa bàn nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng.
"Khó khăn là nhất thời, sau khó khăn mọi cái sẽ phục hồi, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Với sự đồng hành của Chính phủ, tôi tin không có chuyện doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam", đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết trong buổi họp báo hôm nay.