Hai yếu tố quyết định cho sự tái 'khởi động' của TP.HCM
(DNTO) - Việc tái khởi động lại kinh tế TP.HCM sau đợt dịch bệnh lần thứ 4 kéo dài chỉ phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: (1) Sức chống đỡ của hệ thống y tế TP.HCM và cả nước; (2) Các biện pháp kinh tế mà chủ yếu là nguồn lực sẵn có.
Đây là nhận định của GS.TS. Nguyễn Văn Phú, Đại học Paris Nanterre; Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) khi trao đổi với Doanh Nhân Trẻ Online về giai đoạn "mở cửa" của TP.HCM trong thời gian sắp tới. Và cũng theo ông, việc "mở cửa" của thành phố nên có một lộ trình khoa học, nhằm tránh tạo sự quá tải cho hệ thống y tế.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc cuộc phỏng vấn này.
Không thể kéo dài việc giãn cách xã hội
PV: Tái khởi động kinh tế để phục hồi trở lại là câu chuyện quan trọng ở thời điểm này với TP.HCM. Theo ông, sau những đợt giãn cách kéo dài, việc tái khởi động kinh tế của thành phố nên đi theo hướng nào là hợp lý để có thể từng bước quay trở lại?
GS.TS. Nguyễn Văn Phú: Trước hết, tôi nghĩ là không thể kéo dài mãi việc giãn cách xã hội và đóng băng các hoạt động kinh tế để chống dịch. Ngay cả ở những nước tiên tiến, việc đóng băng kéo dài có kèm theo các chính sách hỗ trợ kinh tế cũng có giới hạn của nó.
Đối với TP.HCM, là trung tâm kinh tế của Việt Nam, việc mở cửa trở lại nên có lộ trình khoa học, tránh tạo nên sự quá tải cho hệ thống y tế.
GS.TS. Nguyễn Văn Phú
Chúng ta thấy rõ điều này qua kinh nghiệm chống dịch của thế giới, nhất là đối với đợt dịch đầu tiên vào năm ngoái. Để đối phó với các đợt dịch tiếp theo, các nước chỉ giãn cách xã hội một cách tương đối và giảm thiểu các hoạt động kinh tế không cần thiết.
Đối với TP.HCM, là trung tâm kinh tế của Việt Nam, việc mở cửa trở lại nên có lộ trình khoa học, tránh tạo nên sự quá tải cho hệ thống y tế. Theo đó, điều kiện đầu tiên là tăng cường tiêm chủng vaccine cho người dân, và phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm (5K) ở mọi lúc mọi nơi.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu chúng ta áp dụng đúng các biện pháp chống lây nhiễm (mang khẩu trang FFP2, khử khuẩn, giữ khoảng cách...), thì sẽ phát huy hiệu quả.
Cần có sự phối hợp giữa các địa phương
* Các biện pháp cụ thể TP.HCM nên làm ở thời điểm này là gì, thưa ông?
- Trước hết, thành phố nên ưu tiên mở lại các hoạt động cần thiết (ví dụ như sản xuất và buôn bán thực phẩm, thuốc men...). Ngay cả ở những nơi được mở cửa trở lại, nên có các biện pháp chống lây nhiễm nghiêm ngặt (giữ khoảng cách, mang khẩu trang...). Áp dụng rộng rãi làm việc từ xa, mua bán hàng qua mạng...
Việc cho "mở cửa" trở lại nên được theo dõi đánh giá thường xuyên để có thể có các điều chỉnh thích hợp.
GS.TS. Nguyễn Văn Phú
Các địa phương nên có phối hợp với nhau vì virus không ngừng lại ở biên giới một tỉnh, thành hay phường, xã nào, và hoạt động kinh tế có tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các địa phương. Do đó, các địa phương hỗ trợ lẫn nhau trong chống dịch, không nên ngăn sông cấm chợ mà phải để hàng hóa lưu thông.
Việc cho mở cửa trở lại nên được theo dõi đánh giá thường xuyên để có thể có các điều chỉnh thích hợp.
Bên cạnh đó, Chính quyền thành phố nên có nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời cho người lao động nghèo, thất nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, các hoạt động buôn bán tự do..., vì đây là những thành phần bị ảnh hưởng dịch nặng nhất.
Nhìn chung, đây là các biện pháp mà các nước trên thế giới đang áp dụng mà tôi thấy có hiệu quả. Như ở Pháp, nhờ áp dụng các biện pháp trên mà nền kinh tế đang được tái khởi động rất tốt, không còn cách ly nghiêm ngặt như trước đây nữa.
Các chính sách cần phải làm nhanh và mạnh mẽ hơn nữa
* Sức khỏe của nhiều doanh nghiệp đang bị suy kiệt. Hiện đã có các chính sách như ưu đãi lãi suất hay cơ cấu lại các khoản nợ, tuy nhiên các doanh nghiệp thấy vẫn chưa thấm. Vậy theo ông, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được thiết kế như thế nào để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay?
- Đây là một khủng hoảng rất lớn, chưa từng có, chính quyền TP.HCM và Chính phủ nên tham khảo chính sách ở các nước để có thể áp dụng nhanh và mạnh cho người lao động cũng như các doanh nghiệp trong nước.
Về các doanh nghiệp, tôi nghĩ, các cơ quan chức năng đã có các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên cần phải làm nhanh và mạnh mẽ hơn nữa.
GS.TS. Nguyễn Văn Phú
Về người lao động, như tôi nói ở trên, Nhà nước và chính quyền TP.HCM phải có các biện pháp kịp thời và mạnh mẽ hơn về trợ cấp thất nghiệp cho công nhân, trợ cấp tài chính cho lao động nghèo, những người làm nghề tự do, mà khủng hoảng này làm họ mất hết thu nhập.
Về các doanh nghiệp, tôi nghĩ, các cơ quan chức năng đã có các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên cần phải làm nhanh và mạnh mẽ hơn nữa như:
- Tiếp tục ưu đãi lãi suất và hỗ trợ hệ thống ngân hàng để giãn nợ và hoãn nợ cho các doanh nghiệp
- Cung cấp các khoản vay nợ có bảo lãnh của nhà nước cho các doanh nghiệp, giãn hoặc hoãn thuế cho các doanh nghiệp.
Về vĩ mô, nhà nước cũng nên có các biện pháp kích cầu, tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng nâng cao công nghệ, giảm tác động lên môi trường, tập trung vào giáo dục, y tế.
GS.TS. Nguyễn Văn Phú
- Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có nguy cơ phá sản.
- Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cách ly xã hội cần phải được hỗ trợ tài chính (ví dụ như nhà hàng, khách sạn, các phòng tập thể dục thể thao...)
- Cung cấp gói hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động xuất khẩu (như bảo hiểm và tái bảo hiểm, cung cấp các khoản vay...)
Về vĩ mô, Nhà nước cũng nên có các biện pháp kích cầu, tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng nâng cao công nghệ, giảm tác động lên môi trường, tập trung vào giáo dục, y tế.
Xin cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn!