Ngành logistics – ‘xương sống’ của nền kinh tế sẽ vực dậy mạnh mẽ sau dịch
(DNTO) - Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng ngành logistics vẫn được xem là có thể vươn dậy mạnh mẽ sau đại dịch khi nhu cầu thế giới phục hồi và việc tăng cường ứng dụng công nghệ giúp bản thân ngành bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế thế giới.
Nỗ lực ứng phó với đại dịch
Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trên 3 lĩnh vực trụ cột là cảng biển, vận tải biển, logistics, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) thời gian qua đối diện với khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh thành, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIMC cho biết, các doanh nghiệp logistics rất khó khăn khi vẫn phải đảm bảo duy trì hoạt động liên tục trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu hụt lao động, lái xe, khủng hoảng thuyền viên khiến VIMC khó duy trì sản xuất, bố trí nhân lực làm việc mà vẫn phải đảm bảo an toàn và quy định về phòng, chống dịch.
Ngoài ra, sự tăng phi mã của giá cước vận tải biển và thiếu hụt, mất cân bằng container trên thế giới, cùng với quy định không đồng bộ, thống nhất và thay đổi liên tục của các địa phương trong nước khiến hoạt động của doanh nghiệp logistics, vận tải khó càng thêm khó.
Ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, 6 tháng đầu năm cơ bản là giai đoạn khá tốt với thị trường logistics Việt Nam, hầu hết thành viên của hiệp hội đều có tăng trưởng khả quan, có công ty tăng trưởng đến 40-50% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở các tỉnh phía Nam, thị trường chững lại và sang tháng 8, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng, thị trường logistics đi xuống rất nhanh.
Theo ông Thành, với tình hình trên, quý 4/2021 và cả quý 1/2022 sẽ vẫn rất khó khăn đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam. Lãnh đạo Hiệp hội Logistics Việt Nam kỳ vọng ngành logistics có thể phục hồi từ quý 2/2022 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước, duy trì tốc độ tăng trưởng trên 2 con số mỗi năm.
Trở lại mạnh mẽ sau khủng hoảng
Mặc dù đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19, tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, trong mọi hoàn cảnh, logistics luôn đóng vai trò là huyết mạch lưu thông, đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cho xã hội và không ngừng tăng lên.
“Trong bối cảnh kinh tế các nước sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại sau dịch Covid-19, với nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu dùng tăng cao, đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam”, ông Trung cho hay.
Cùng nhận định về chuỗi cung ứng logistics sau đại dịch sẽ có tốc độ phát triển mạnh mẽ, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) phân tích, chưa khi nào thế giới đứng trước thách thức lớn như đại dịch Covid-19. Vì vậy, để ứng phó với tác động tiêu cực từ đại dịch, ngành logistics buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin.
“Chưa bao giờ công nghệ thông tin có thể ứng dụng mạnh mẽ và ngay lập tức trong ngành logistics như hiện nay. Tôi cho rằng đây là chìa khóa để logistics, vận tải có thể phát triển nhanh, đột phá để hòa nhịp với thế giới”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Trước quan điểm cho rằng doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện vẫn thiếu và yếu, ông Đặng Vũ Thành cho biết, việc đánh giá số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nhiều hay ít cũng chỉ là tương đối, nếu muốn góc nhìn đa dạng hơn cần xem xét ở hai góc độ.
Thứ nhất là ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong lăng kính nền kinh tế Việt Nam. Hiện nền kinh tế Việt Nam nằm trong Top 40 nền kinh tế thế giới và theo chỉ số LPI gần nhất thì ngành logistics Việt Nam cũng đang nằm trong Top 40 của thế giới. Ngoài ra, ngành logistics Việt Nam hiện đứng thứ 3 của ASEAN (sau Thái Lan và Singapore). Như vậy có thể thấy, ngành logistics Việt Nam cũng đang song hành và đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai, có thể xem xét ngành logistics Việt Nam ở góc độ số lượng và chất lượng doanh nghiệp trong ngành. Hiện Việt Nam có khoảng trên 3.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó trên 90% là các doanh nghiệp nội địa. Về chất lượng, theo báo cáo VietNam Report gần nhất, trong Top 10 uy tín ngành logistics tại Việt Nam, có đến 6 công ty nội địa. Đặc biệt một số phân khúc như khai thác cảng, giao hàng chặng cuối, hầu hết là công ty Việt Nam.
“Như vậy, có thể tự tin rằng hiện năng lực của các công ty logistics Việt Nam đã đủ để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mặc dù vẫn có những hạn chế trong phân khúc vận chuyển, vận tải quốc tế, hiện Việt Nam chưa bằng các công ty quốc tế”, lãnh đạo VLA nêu quan điểm.
Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017, Chính phủ chủ trương phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao... Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.
Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt 50 trở lên.