Lời giải nào cho bài toán phục hồi kinh tế TP.HCM sau giãn cách?
(DNTO) - Chiến lược phục hồi kinh tế sau giãn cách không đơn thuần chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế thuần túy mà đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều vấn đề như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, tiêm vaccine..., đặc biệt phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền TP.HCM.
Đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 với những đợt giãn cách kéo dài đã khiến kinh tế của TP.HCM bị hụt hơi, rơi vào kiệt quệ trầm trọng. Thống kê cho thấy, tháng 8, doanh thu từ thương mại dịch vụ của thành phố chỉ còn 35.000 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Riêng hai tuần đầu tháng 8, doanh số xuất khẩu giảm 24,2%, nhập khẩu giảm 11,7%; thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 3.860 tỷ đồng, còn 2/3 so với hai tuần cuối tháng 7.
Chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến nguồn nguyên liệu thiếu hụt, gia tăng chi phí sản xuất, thêm vào đó là gia tăng chi phí tiền lương; việc ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng trong thời gian dài đã đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, mất khả năng trả nợ, trả lãi, nguy cơ phá sản hoặc phải ngừng hoạt động rất lớn.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, giai đoạn vừa qua, thành phố có hơn 280 doanh nghiệp với khoảng 2,3 triệu lao động ngừng hoạt động. Chỉ 175/1.527 doanh nghiệp ở khu công nghệ cao còn hoạt động với 65.000/345.000 lao động đi làm.
“Ngay cả khi TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh từ 15/9, các bất cập sẽ vẫn tiếp tục lan tỏa, tác động tiêu cực, làm suy kiệt trầm trọng năng lực tài chính cả khu vực cá nhân và hộ gia đình, khu vực doanh nghiệp nếu như không nhanh chóng kiến tạo động lực đủ lớn và kịp thời từ Chính phủ và TP.HCM”, nghiên cứu mới công bố của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng ĐHQG-HCM nhận định.
Bài toán đặt ra với TP.HCM không hề đơn giản khi “giãn cách kéo dài đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TP.HCM và các vùng trọng điểm phía Nam, chuỗi cung ứng bị gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp mà còn gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian”, nghiên cứu cho biết.
Trước hiện trạng trên, nhóm tác giả đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp cho giai đoạn phục hồi kinh tế của thành phố, đặc biệt là việc tái khởi động lại các doanh nghiệp khi việc mở cửa được tính toán đến.
Hỗ trợ doanh nghiệp 4.000 tỷ đồng để hút lao động trở lại
Nhóm tác giả nhận định, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau giãn cách phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm cho người lao động. Do đó, thành phố cần có chính sách giúp doanh nghiệp tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc, thu hút lao động...
Nhóm tác giả đề xuất TP.HCM sử dụng ngân sách hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng, áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022, chia làm 2 giai đoạn: Tháng 9/2021 đến 12/2021, hỗ trợ 1.105.000 đồng/lao động và quý 1/2022 là 1.105.000 đồng/lao động. Quy mô 4.000 tỷ đồng tương đương 0,29% GRDP của TP.HCM
Một trong những ý kiến mà nhóm tác giả đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động trở lại là việc khuyến nghị thành phố mở rộng chương trình hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ được tính toán có quy mô lên 4.000 tỷ đồng. Điều khác biệt của chương trình này là ở chỗ thành phố không trực tiếp chi tiền mặt cho doanh nghiệp mà sau khi xác nhận số tiền cần hỗ trợ, tiến hành bù trừ với số tiền doanh nghiệp phải nộp ngân sách hay bảo hiểm xã hội trong năm 2021.
Hai ngành cần được ưu tiên là công nghiệp truyền thống như dệt may, da giày... và nhóm logistics, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn chi phí thấp, kích thích đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh năng lực tự phục hồi của thành phố. Chương trình được tính toán có quy mô lên tới 800 tỷ đồng mỗi năm.
Cần tính toán lại thuế thu nhập doanh nghiệp
Một kiến nghị được đưa ra đối với Chính phủ là việc tính toán lại thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong giai đoạn tới. Nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất, cơ quan chức năng nên tính đến việc chủ động chuyển lỗ cho doanh nghiệp về 2 năm trước và 3 năm sau, tổng thời hạn chuyển lỗ không quá 5 năm. Bởi theo thực tế, chính sách miễn thuế TNDN chỉ có tác dụng với doanh nghiệp có lãi, không hề đem lại lợi ích nếu doanh nghiệp đó lỗ và thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp lợi nhuận âm sẽ không phải là hiếm.
Trong trường hợp không cho phép chuyển lỗ về trước mà chỉ áp dụng giảm thuế doanh nghiệp, nhóm tác giả đề ra 3 phương án.
Thứ nhất, giảm 25% thuế TNDN cho tất cả các doanh nghiệp. Chi phí của gói hỗ trợ này ước tính 58.000 tỷ đồng.
Thứ 2, giảm 30% thuế TNDN với doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và có lãi, điều này đã nằm trong dự thảo của Bộ Tài chính.
Thứ 3, đề xuất giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp có doanh thu 200 tỷ đồng và có lãi, thuế được xác định theo công thức, số thuế giảm là (200 tỷ đồng/doanh thu thực tế tính bằng tỷ đồng) 30% số thuế phải nộp.
Việc thiết lập gói hỗ trợ tín dụng cho cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nhóm nghiên cứu nhận định: “Sự suy kiệt tài chính của nhóm đối tượng này tạo gánh nặng cho an sinh xã hội, làm chậm sự phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn hồi phục”, tuy nhiên, hơn ai hết, “Chính phủ chấp nhận việc dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía mình và chuẩn bị nguồn lực để hấp thụ rủi ro này”.