Nền kinh tế đang chờ thời khắc 'mở cửa'
(DNTO) - Khi chiến lược "Zero Covid" hoàn toàn đổ vỡ, việc sống chung với dịch là tất yếu. Trạng thái "bình thường mới" cần phải bắt đầu sớm nhất có thể, bởi mọi sự trì hoãn đều dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế vốn đang kiệt quệ.
"Phải hành động ngay từ bây giờ"
Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 với nhiều đợt giãn cách kéo dài đã gây tổn thất nặng nề cho nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., những "đầu tàu" của nền kinh tế phía Nam. TP.HCM là nơi chịu tác động nặng nề nhất.
Thời gian vừa qua, mỗi ngày thành phố ghi nhận số lượng lớn người dân nhiễm bệnh, khiến câu chuyện "mở cửa" của thành phố không còn dễ dàng và cần thêm thời gian chờ đợi. An toàn là trên hết, không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn là nguyên tắc mà thành phố đang tuân theo để tiến dần đến tái khởi động trở lại.
Nền kinh tế của thành phố vẫn đang "gồng mình" chờ đợi thời khắc "bình thường mới". Nghiên cứu từ nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng ĐHQG-HCM đã đưa ra 3 kịch bản cho nền kinh tế của thành phố. Trong đó, kịch bản xấu nhất là trạng thái "bình thường mới" được thiết lập nửa sau muộn của tháng 10, khi đó "các tổn thương kinh tế là hết sức nghiêm trọng", ước tính GRDP theo giá hiện hành 2021 giảm 1,74% so với năm ngoái.
Kịch bản sáng hơn là khi dịch bệnh được kiểm soát sớm, thành phố tái khởi động từ 15/9, GRDP sẽ chỉ suy giảm 0,85% so với 2021. Tuy nhiên xem ra, kịch bản này khó xảy ra khi TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội đến hết tháng 9.
Việc "mở cửa" sớm hay muộn đã trở thành thước đo của nền kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy do giãn cách kéo dài, cộng thêm đó là tình trạng thiếu lao động, thiếu hụt dòng tiền... khiến doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ mất thanh khoản, thậm chí phá sản.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai cao hơn mức trung bình chung và đều trên mức 71% trong tổng số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, một tỷ lệ không hề nhỏ nếu không muốn nói là ở mức cao.
Với các doanh nghiệp nước ngoài, khó khăn cũng không phải ít. Việt Nam từng thành công với việc kiểm soát dịch Covid-19 trong năm 2020, được xem là "điểm sáng" của đầu tư nước ngoài thì năm nay tình hình đã thay đổi.
Trong thư kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) cho biết, hiện tại ít nhất 20% thành viên sản xuất của họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, đặc biệt "nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành".
Còn với các nhà đầu tư tiềm năng mới thì không thể đến nếu Việt Nam không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài. "Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu", thư kiến nghị nêu rõ và nhấn mạnh: "Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi".
“Cách duy nhất để trấn an doanh nghiệp là mở cửa”
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ Online, GS.TS. Nguyễn Văn Phú, Đại học Paris Nanterre; Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho biết: "Cách duy nhất để trấn an doanh nghiệp FDI nói riêng và doanh nghiệp trong nước nói chung mà Việt Nam có thể làm là mở cửa các hoạt động kinh tế trở lại. Tuy nhiên, việc mở cửa phải theo một lộ trình khoa học và tránh gây áp lực quá tải lên hệ thống y tế".
Cũng theo ông Phú, "nếu thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng và có các biện pháp kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thì việc mở cửa sẽ thực hiện được".
Liên quan đến việc mở cửa TP.HCM, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM cho biết, hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa.
Theo ông, hệ lụy của dịch bệnh đối với GDP thành phố sẽ ảnh hưởng trong nhiều năm tới và cái giá phải trả về kinh tế rất lớn. Doanh nghiệp bây giờ kiệt quệ, nếu không cứu thì sau này cứu cũng không kịp nữa.
Chúng ta không thể đóng cửa mãi được. Thiết nghĩ, việc "mở cửa" là quan trọng với các chính sách thiết thực, lộ trình thực hiện cụ thể, khi đó nền kinh tế sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.