Thời trang lên metaverse: Đừng ‘tham vàng bỏ ngãi’
(DNTO) - Giới thời trang toàn cầu đang lũ lượt đổ lên metaverse (vũ trụ ảo) nhằm kiếm tìm những cơ hội mới, nhưng ít người lường trước được những rủi ro song hành.
Ngành thời trang “gieo hạt” mới
Sự thành công của Metaverse Fashion Week (Tuần lễ thời trang Metaverse), diễn ra những ngày cuối tháng 3, đã đánh dấu bước ngoặt mới của ngành công nghiệp thời trang thế giới khi tiến vào không gian kỹ thuật số.
Với hơn 60 thương hiệu xa xỉ góp mặt, Metaverse Fashion Week gây ấn tượng cho giới mộ điệu hơn bất kỳ tuần lễ thời trang nào trước đó, với những bộ sưu tập thời trang 3D trên sàn runway ảo. Đặc biệt, khách hàng có quyền giao dịch NFT (tài sản ảo trên blockchain đại diện cho vật phẩm nghệ thuật…) với tiền điện tử MANA.
Sức hấp dẫn của NFT đã tạo ra một cơn địa chấn với giới thời trang khi hàng trăm nhãn hàng cao cấp, như LV, Gucci, D&G, Burberry… lần lượt tung ra những bộ sưu tập thời trang NFT và thu về hàng chục ngàn USD.
Giờ đây, các thương hiệu nhảy vào cuộc chiến thời trang số bằng cách bước chân vào các tựa game để bán các sản phẩm thời trang cho các nhân vật trong game. Các chuyên gia kỳ vọng thời trang kỹ thuật số đem về hàng chục tỷ USD mỗi năm cho ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.
Giao dịch NFT cũng được xem là “đốm lửa” trong mùa đông tiền số, khi vẫn có 2,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào NFT trong quý đầu năm nay.
Tại Việt Nam, một số nhà thiết kế như Hà Duy, Cao Minh Tiến hay Hồng Quế cũng phát hành những bộ sưu tập NFT đầu tiên, được trưng bày trên bePAY Global Fantasy KOLs.
Có thể nói, công nghệ số đã mở ra kỷ nguyên mới giúp các thương hiệu thời trang nâng cao trải nghiệm khách hàng và gia tăng độ nhận diện, có thêm cơ hội tiếp cận với những khách hàng tiềm năng, đồng thời cũng là những nhà đầu tư trong thị trường crypto.
Rủi ro không hẹn trước
Thế nhưng, những rủi ro về bản quyền và tính bất ổn của thị trường tiền mã hóa đang khiến thị trường thời trang số không kém phần bất định.
Mới đây, Hermes - hãng thời trang nổi tiếng với dòng túi Birkin đã đâm đơn kiện chủ nhân của chiếc túi Metabirkins - người tạo ra các túi Birkin trong metaverse về hành vi “xâm phạm thương hiệu”. Ngay lập tức, các phiên bản túi NFT này đã bị gỡ khỏi nền tảng NFT OpenSea.
Vấn đề bản quyền tác phẩm nghệ thuật luôn “nóng” ngay cả trong đời thực, trong thế giới ảo lại càng nhiều rủi ro. Ví dụ trong một số tựa game như Grand Theft Auto hay Simcity, rất nhiều trang phục trong game bị tố đạo nhái các thương hiệu nổi tiếng ngoài đời thực. Tuy vậy, rất khó để thương hiệu có thể khởi kiện như trường hợp của Hermes vì nhà sản xuất đã né tác quyền bằng việc gắn vào sản phẩm một fiction-brands (thương hiệu hư cấu).
Tham vọng số hóa ngành thời trang còn nhiều rủi ro nên các gã khổng lồ trong ngành như LVMH, Kering dù vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các dự án NFT và xây cho mình đế chế metaverse riêng, nhưng quy mô thử nghiệm vẫn chỉ trong phạm vi nội bộ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thời trang ảo còn gặp rất nhiều trở ngại về công nghệ, khi công nghệ VR (thực tế ảo) vẫn còn sơ khai và trang thiết bị VR còn đang đắt đỏ. Đặc biệt, cũng cần một khoảng thời gian để khách hàng làm quen với sự thay đổi này. Tình trạng lừa đảo, làm giá và lũng đoạn trong thị trường tiền số thời gian qua cũng làm dấy lên lo ngại về tính thực tế và bền vững của mặt hàng NFTs.
Thế nhưng, trong bối cảnh metaverse phát triển, các thương hiệu đương nhiên không thể là người đi sau trong cuộc chơi này. Tuy vậy, các cửa hàng vật lý truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định vị thương hiệu và tiếp cận khách hàng của hãng thời trang. Theo khảo sát của IBM hồi cuối năm ngoái, khoảng 65% khách hàng Gen Z toàn cầu mong muốn đến cửa hàng thực để có cảm giác hưởng thụ và không gian để check-in.
Bên cạnh đó, trong ngành bán lẻ, việc “kết đôi” từ online đến offline đang là xu hướng mới. Khảo sát của Deloitte Đông Nam Á cho thấy, 62% khách hàng tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ trên online trước khi mua offline và liên tục chuyển đổi giữa kênh online và offline, nhằm lựa chọn sản phẩm tốt nhất về chất lượng và chi phí.
Do vậy, các thương hiệu vẫn phải suy nghĩ về vị trí và tính lâu dài của các cửa hàng vật lý, bên cạnh các cửa hàng kỹ thuật số. Bởi với thương hiệu càng cao cấp thì không gian trong cửa hàng vật lý càng cần được chú trọng để thể hiện giá trị của thương hiệu và cũng là nơi khách hàng thể hiện giá trị của bản thân.