Thấy gì từ việc doanh nghiệp FDI liên tục chiếm thế 'thượng phong' trong tăng trưởng xuất khẩu?
(DNTO) - Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức rất cao, nhưng đóng góp chính lại hoàn toàn thuộc khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Câu chuyện xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào vốn ngoại được nhắc đến từ lâu, tuy nhiên, khi sự đóng góp "ngoại cỡ" lên tới trên 70%, thì đó là điều đáng chú ý.
Số liệu mới công bố từ Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 440,15 tỷ USD, tăng 25,4% (tương ứng tăng 89,23 tỷ USD), chiếm 69,5% kim ngạch cả nước.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước đạt 193,07 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 28,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 30,5% kim ngạch cả nước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm doanh nghiệp FDI đạt 232,2 tỷ USD, tăng 21,2%, tương ứng tăng 40,68 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trong 15 ngày đầu tháng 12/2021 đạt 10,86 tỷ USD, tăng 5,6% so với kỳ 2 tháng 11/2021.
Tính từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/12/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 207,95 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 65,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Như vậy, từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/12/2021, các doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 24 tỷ USD.
Hiện, các doanh nghiệp FDI góp mặt trong toàn bộ các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam, Chẳng hạn, với mặt hàng điện thoại và linh kiện, khu vực FDI chiếm tới chiếm 99,1%. Trong khi đó, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 93,1%. Còn với giầy dép và dệt may, những tưởng lợi thế thuộc về doanh nghiệp Việt, thì khối FDI cũng chiếm tương ứng 81,9% và 62,5%.
Có thể thấy, nhờ các chính sách ưu đãi đầu tư khác nhau và nhiều cải cách pháp lý và hành chính, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực. Điều này cũng phù hợp với những cân nhắc và chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, “sự lép vế” của các doanh nghiệp Việt Nam ở chiều ngược lại cho thấy thế cân bằng chưa được thúc đẩy một cách thích đáng.
“Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng lớn, lên tới 70%, trong khi trước đây, con số này chỉ trên 60%. Điều này cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối FDI và đây là điều đáng chú ý”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.
Cũng về vấn đề này, vừa qua, tại thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đã thể hiện sự băn khoăn về mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp tới năm 2025.
"Doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế, nhưng khi chúng ta đưa ra số lượng 1,5 triệu doanh nghiệp phải đánh giá tính khả thi. Chúng ta nên quan tâm chất lượng nhiều hơn là số lượng. Tại sao doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2% số lượng doanh nghiệp nhưng giá trị xuất khẩu lại chiếm đến 70%?", đại biểu Trịnh Xuân An đặt câu hỏi và khẳng định, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế khi động lực chính của tăng trưởng là xuất khẩu, nhưng hiện nay còn phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI.
Nêu quan điểm, ông Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam), cho rằng, việc nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI là điều rất khó chấp nhận. “Nếu muốn tạo ra nội lực, thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay”, ông Tự Anh nói.
Chính vì vậy, quan điểm của các chuyên gia kinh tế là phải làm sao xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.
Cùng với xây dựng năng lực sản xuất quốc gia, thì việc khuyến khích thu hút các dự án FDI tạo sức lan tỏa lớn, có kết nối với khu vực trong nước cũng đã được nhấn mạnh. Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã từng đề xuất việc cần có chương trình khuyến khích các chuyên gia, cán bộ quản lý đang làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài tách ra thành lập các doanh nghiệp của Việt Nam.
“Đây là những người có kiến thức, nắm rõ công nghệ, quy trình sản xuất, quy trình vận hành, quản trị doanh nghiệp, có mối quan hệ, kinh nghiệm... Những người này, khi tách ra thành lập doanh nghiệp, sẽ là những người thành công nhanh nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đó cũng là cách để doanh nghiệp Việt dần lớn lên, đủ sức trở thành đối tác với các doanh nghiệp FDI, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Và như thế, khu vực trong nước sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, tránh bị phụ thuộc quá lớn như hiện nay.