Thaco thu nghìn tỷ từ khởi nghiệp, các tập đoàn lớn cũng ráo riết ‘săn’ startup

(DNTO) - Việc thay đổi với một cỗ máy lớn như các tập đoàn sẽ nhanh hơn khi họ bắt tay với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Diễn đàn cấp cao Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023, chiều 24/8.
Thaco hái 'trái ngọt' từ khởi nghiệp
20 năm có mặt trên thương trường, dù đã giành chỗ đứng nhất định trên thương trường, nhưng Thaco cho biết vẫn không ngừng khởi nghiệp. Xuất phát từ việc sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí phục vụ nội địa, bắt đầu từ năm 2021, Thaco đặt mục tiêu đặt chân sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là bước tới thị trường khắt khe như Mỹ, châu Âu, châu Úc. Doanh thu ngoài hệ thống Thaco đạt khoảng 1.300 tỷ năm 2021, tăng lên 4.300 tỷ năm 2022 và dự kiến đạt 8.600 tỷ trong năm nay.
Đạt được thành tích đó trong đại dịch và bối cảnh kinh tế biến động cũng được coi là thành công. Lý do của thành công đó được ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Thaco Industries, tiết lộ trong Diễn đàn cấp cao Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023, hôm 24/8.
Ông Tâm cho biết, Thaco đã nhìn thấy cơ hội rất lớn từ việc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Đó là lý do tập đoàn tăng cường đầu tư các khu công nghiệp chuyên dụng, có tính tích hợp, bổ trợ cao, hiện đại và số hóa.
Thaco kết hợp với tỉnh Quảng Nam xây dựng mô hình liên kết với các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ địa phương. Trên kinh nghiệm của mình, Thaco cũng đề xuất các hình thức liên doanh, liên kết giúp cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Quảng Nam và miền Trung – Tây Nguyên phát triển ý tưởng của họ và tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn.
“Chúng tôi khai thác tối đa nguồn lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu các cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng có thể liên hệ với chúng tôi để chúng ta tiến tới hợp đồng. Thaco sẽ hỗ trợ tổ chức sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và hỗ trợ startup kinh doanh. Chỉ cần ý tưởng đó có cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh tương lai, chúng tôi sẽ hỗ trợ từ lúc nghiên cứu, phát triển thị trường, xây dựng quy trình sản xuất, tổ chức sản xuất và chuyển giao để ý tưởng của người đó biến thành sản phẩm để kinh doanh”, ông Tâm tiết lộ.
Vị này cho biết đầu tư vào startup là biến ý tưởng đổi mới sáng tạo thành mô hình kinh doanh. Vì vậy Tập đoàn không cho rằng khoản đầu tư này sẽ thành công hay thất bại, mà thông qua các điển hình đó, bản thân Thaco sẽ đúc kết các câu chuyện làm thế nào giúp startup phát triển bài bản và bền vững hơn, cũng là cách nâng cao năng lực cho chính mình.
Không chỉ là ‘trend’

Mảng sản xuất công nghiệp của Thaco phát triển mạnh trong những năm qua nhờ việc kết nối với nhiều doanh nghiệp, startup trong hệ sinh thái. Ảnh: T.L.
Ở Việt Nam, không chỉ Thaco mà các tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup, FPT, Phú Thái… đã nhìn thấy nhiều cơ hội khi kết hợp với startup. Họ đang tung ra rất nhiều chương trình để làm sao lấy được “chất xám” này để phục vụ cho việc phát triển tập đoàn.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ), đây là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ trên khu vực và thế giới. Trước đây, startup rất khó tiếp cận các “ông lớn”, trong khi các “ông lớn” vẫn nhìn startup dưới hình thức hỗ trợ, tài trợ chứ chưa phải đối tác.
Nhưng hiện nay, nhiều startup đã nhìn ra ngay cả các tập đoàn lớn vẫn còn nhiều thách thức mà họ có thể giải quyết nhanh hơn, chi phí rẻ hơn các cách truyền thống. Đó là lý do hiện nhiều tập đoàn mở ra các chương trình ươm tạo tìm kiếm startup, chủ động ra đề để tìm kiếm startup chứ không chỉ là đợi startup nghiên cứu giải pháp và tìm đến họ.
Singapore là quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo mởi. Họ có rất nhiều cơ chế sandbox, sẵn sàng thử nghiệm những cái mới và ứng dụng vào cuộc sống, điều đó giúp ý tưởng ra thị trường rất nhanh.
Ở Hàn Quốc, các tập đoàn lớn như Samsung, Shinhan… rất mạnh mẽ trong hợp tác với startup. Samsung thậm chí đưa thương hiệu của họ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sâm, như một sự bảo hành để họ bước vào thị trường nhanh chóng.
Thời gian gần đây, Thái Lan cũng nổi lên trong việc đưa cả các ngân hàng, tập đoàn lớn đi cùng các công ty khởi nghiệp, kể cả sinh viên. Tập đoàn CP của Thái Lan đang là bệ đỡ rất lớn cho các startup agritech (nông nghiệp thông minh), kết nối từ khâu sản xuất cho đến phân phối, chiếm lĩnh thị trường. Tập đoàn bất động sản Siam của nước này hiện cũng tăng đầu tư cho các startup về căn hộ thông minh, đô thị thông minh, trường học thông minh. Các ngân hàng hoàng gia Thái Lan đứng ra tài trợ, cấp vốn cho các startup trong lĩnh vực y tế, du lịch.
“Nó tạo lợi thế cạnh tranh từ độ mở rất lớn của nền kinh tế. Họ không chỉ nhắm đến thị trường nước họ mà cả các nước trong khu vực. Bước tiếp theo, họ sẽ đưa startup của họ sang Việt Nam. Tôi mong rằng với Nghị định 98 của TP.HCM sẽ xây dựng thử nghiệm sàn giao dịch vốn dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu mô hình này thành công, chúng ta sẽ nhân rộng ra các địa phương khác”, ông Quất nhấn mạnh.
Địa phương phải quyết liệt

Cơ chế, chính sách quyết liệt từ địa phương là bệ đỡ rất quan trọng cho việc kết nối giữa tập đoàn, startup, cơ quan quản lý, cố vấn, chuyên gia... Ảnh: T.L.
Ở góc độ địa phương, ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, nơi đứng thứ 16 về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương PII năm 2022, cho biết ý chí và quyết tâm của lãnh đạo địa phương rất quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, yếu tố quan trọng là giữ được nền tảng văn hóa và giá trị địa phương. Nếu không khơi dậy được văn hóa, truyền thống và ý chí vươn lên làm giàu của người dân thì mọi cơ chế chính sách đổ vào đó cũng bằng không.
“Tôi đọc tất cả các đề án của Chính phủ, từ đề án 939, đề án 844, đề án 1665, 3 đề án đó đều có những nội dung giống nhau. Vậy vì sao địa phương không tích hợp lại làm một, Quảng Nam làm điều đó. Chúng tôi hỗ trợ thành chương trình chung của tỉnh, gọi là khởi nghiệp tích hợp, suy cho cùng cũng là khởi nghiệp mở, không đóng với bất cứ ai, lấy được nguồn lực lẫn nhau. Đó là lý do sau 5 năm, Quảng Nam đã có 21 dự án khởi nghiệp cấp vùng, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong đó có những dự án đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc”, ông Sinh nói.
Với Thừa Thiên Huế, thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022 cũng biến sự hỗ trợ của nhà nước bằng chính sách cụ thể. Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, cho biết địa phương này dựa vào kết quả nghiên cứu của Đại học Huế và những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, xem kết quả nghiên cứu khoa học như một ý tưởng kinh doanh để startup được hình thành.
“Phải có những chính sách để tập đoàn, doanh nghiệp thực sự ứng dụng kết quả nghiên cứu. Phải có những chính sách đảm bảo cho nhà khoa học an tâm về kết quả họ nghiên cứu ra. Phải sẵn sàng đánh đổi giữa câu chuyện nhà nước bỏ ngân sách ra làm nghiên cứu khoa học, vì nếu nghiên cứu đó được thương mại hóa thành công thì chúng ta sẽ thu được thuế từ sản phẩm khoa học. Tại sao nhất thiết phải thu hồi ngân sách cho nhà khoa học nghiên cứu mà không nghĩ rằng sau này khi có sản phẩm cho nghiên cứu đó, những doanh nghiệp như Thaco có thể đóng bao nhiêu thuế cho Quảng Nam”, ông Sinh nêu quan điểm.
Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Quảng Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức phối hợp với Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức Diễn đàn cấp cao: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các nội dung triển khai của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2023 và Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ Tư - TechFest Quang Nam 2023 nhằm thực hiện các mục tiêu Đề án khởi nghiệp của Chính phủ.
Đây là diễn đàn thứ 2 được tổ chức có chủ đề liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cho địa phương, tiếp nối diễn đàn đầu tiên được tổ chức dành riêng cho vùng đồng bằng sông Hồng, tháng 5/2023 tại Nam Định.